Quản chặt vốn ODA để giảm áp lực nợ công

(BĐT) - Theo đánh giá của Chính phủ, nguồn vốn vay công chủ yếu được ưu tiên phân bổ cho các chương trình, dự án đầu tư công (khoảng 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015), song chỉ số ICOR khu vực nhà nước vẫn rất cao so với ICOR của nền kinh tế. 
Tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư diễn ra khá phổ biến tại các dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư diễn ra khá phổ biến tại các dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Điều này cho thấy, hiệu quả thấp trong việc sử dụng các nguồn lực, sự lãng phí và quản lý chưa chặt chẽ trong đầu tư công là các nhân tố ảnh hưởng đến an toàn nợ công.

ODA và nhiều ràng buộc

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50,3% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. Giai đoạn 2011 - 2015 huy động vốn vay công ở mức cao với tổng khối lượng khoảng 498 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 14% GDP, chiếm 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, bình quân tăng 15%/năm. Tính trên tổng khối lượng huy động vốn vay công, vốn vay của Chính phủ chiếm 76,1% (bình quân 379 nghìn tỷ đồng/năm); bảo lãnh chính phủ chiếm 19,7% (bình quân khoảng 98 nghìn tỷ đồng/năm) và vay của chính quyền địa phương chiếm 4,2% (khoảng 21 nghìn tỷ đồng/năm). Trên 98% vốn vay công được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội đồng bộ, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong các năm qua.

Liên quan đến huy động vốn vay của Chính phủ, các khoản vay của Chính phủ chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước và vay vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Với nỗ lực của Chính phủ và sự ủng hộ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam đã tích cực vận động, đẩy nhanh tiến độ giải ngân ODA, vay ưu đãi nước ngoài (số ký vay giai đoạn 2011 - 2015 đạt 28 tỷ USD, gần bằng cả giai đoạn 10 năm trước và rút ngắn tiến độ giải ngân bình quân từ 10 năm xuống còn khoảng 5 năm), bổ sung nguồn lực quan trọng cho ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, chi phí vay nợ có xu hướng gia tăng, một số khoản vay ODA bị ràng buộc sử dụng thiết bị nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, làm cho chi phí đầu vào cao, phần nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Các khoản vay của các chủ nợ châu Âu ràng buộc về mua sắm thiết bị; các khoản vay từ các chủ nợ như Nhật Bản, Hàn Quốc ràng buộc đấu thầu hạn chế giữa các nhà thầu; các khoản vay của Trung Quốc ràng buộc về chỉ định nhà thầu Trung Quốc.

Ngay cả việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu các dự án nói chung, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn vay công diễn ra phổ biến cũng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công chưa cao. Đơn cử, Dự án Metro Hà Nội vay nguồn ODA của Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu Euro lên 1176 triệu Euro; Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vay Trung Quốc tăng từ mức 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng; Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vay Nhật Bản tăng từ mức 1.751 tỷ đồng lên 4.024 tỷ đồng… 

Không để nợ công quá 65% GDP

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50,3% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. 
Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, vấn đề pháp lý về ODA rất có vấn đề. “Hơn 20 năm tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA cho thấy nhiều cái được, nhưng cũng từng ấy năm có các sự kiện chấn động dư luận liên quan đến ODA, thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ án”, bà Nga nêu quan điểm.

Theo đó, khung pháp lý về quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA mới chỉ nằm ở trong một số nghị định, hiện được quy định lác đác một vài chỗ trong các Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công. Trong khi đó, việc hàng loạt dự án sử dụng nguồn vốn ODA có sự điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư rất lớn như đã nêu trên cho thấy hoạt động quản lý và sử dụng nguồn vốn này có nhiều vấn đề.

Dựa trên phân tích của mình, bà Nga đề xuất Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cần có những giám sát chuyên đề chứ không chỉ dừng ở mức giám sát qua “cảm quan và báo cáo hàng năm”; nếu không giám sát tốt thì có nguy cơ nợ công còn bị đẩy lên cao nữa. Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng, khung pháp lý cho việc quản lý và sử dụng ODA không chỉ dừng ở những quy định như hiện nay mà phải quản lý chặt chẽ hơn nữa, được quy định ít nhất ở tầm pháp lệnh.

Liên quan đến định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 được Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định quan điểm, nhất trí với những mục tiêu của Chính phủ đề ra như nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ ở biên độ mức 53 - 55% GDP. Đối với nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại và đảo nợ) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm, theo ông Phùng Quốc Hiển, yêu cầu phải giữ nguyên tắc không quá 25%, xây dựng lộ trình đến năm 2020 phải xuống dưới 25% số thu.

Chuyên đề