Quản chặt chi tiêu công

(BĐT) - Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu đã có những tác động tích cực đối với hoạt động đầu tư từ vốn nhà nước. Tuy nhiên, sự thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công có lẽ vẫn là một căn bệnh khó chữa, không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai. Người đứng đầu Chính phủ mới đã có những chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng này.
Giá các công trình công của Việt Nam đắt hơn từ 30 - 40% so với thế giới. Ảnh: Lê Tiên
Giá các công trình công của Việt Nam đắt hơn từ 30 - 40% so với thế giới. Ảnh: Lê Tiên

Căn bệnh khó chữa

Tại cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, tình trạng lãng phí, thất thoát vẫn còn diễn ra khá phổ biến trong hoạt động đầu tư công. Đấu thầu hình thức, quân xanh quân đỏ, bán lại thầu có thể đến 10 - 15% giá trị gói thầu.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng cho rằng đầu tư công chưa hiệu quả khi dẫn chứng về việc giá các công trình công của Việt Nam đắt ít nhất 30 - 40% so với thế giới, nhiều trường hợp đến 50%. Ví dụ một số dự án tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP.HCM, đang trả giá cao hơn nhiều so với chi phí thực tế. Thứ trưởng Đông cho biết, thông thường tàu điện ngầm đắt hơn tàu điện trên cao 3 lần, thế nhưng chúng ta làm tàu điện với vài km ngầm còn lại là trên cao với giá gấp đôi làm tàu điện ngầm hoàn toàn. Trường hợp mức đầu tư của sân bay Long Thành cũng được Thứ trưởng Đông dẫn ra là quá cao so với thế giới.

Trong thời gian làm việc cuối cùng trên cương vị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã rất trăn trở đầu tư công dù đã có nhiều chuyển biến đối với những dự án từ ngân sách trung ương, nhưng chưa thực sự phát huy hết hiệu quả với dự án từ ngân sách địa phương. Theo Bộ trưởng, nhiệm kỳ mới ở cấp địa phương, ai cũng muốn có công trình để ghi dấu ấn của mình. Nếu là ngân sách trung ương, Chính phủ quyết được, nhưng chi ngân sách địa phương là quyền của người đứng đầu địa phương.

Sự lo lắng của nguyên Bộ trưởng cũng là thực tế mà nhiều ý kiến phản ánh, từ sau khi Luật Đầu tư công được ban hành, tại nhiều địa phương vẫn chưa có chuyển biến rõ nét về đầu tư công, công trình mới vẫn được quyết định đầu tư nhiều.

Có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Từ ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, có thể thấy 3 lý do lớn là chế độ phân cấp, phân quyền dẫn đến tình trạng chia cắt, cát cứ không gian phát triển theo địa giới hành chính, 63 tỉnh, thành phố trở thành 63 nền kinh tế; cùng với đó là tư duy nhiệm kỳ, tất cả đều cạnh tranh nhau thu hút đầu tư, để có tăng trưởng nhanh và “ghi dấu ấn” bằng mọi giá. Thứ hai, giá đất nông nghiệp thấp, giá đất phục vụ sản xuất, kinh doanh cao dẫn đến muốn có dự án đầu tư, để thu hồi đất và chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất kinh doanh, từ đó, hưởng chênh lệch địa tô và để bán quyền sử dụng đất tăng thu cho ngân sách. Thứ ba là ràng buộc ngân sách mềm, kỷ luật ngân sách lỏng lẻo trong toàn hệ thống.

Trong một hội thảo về đầu tư công, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đã nhận định, một số thay đổi khá nổi bật của Luật Đầu tư công đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, chỉ Luật Đầu tư công không là chưa đủ, còn cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác, như phải đổi mới động lực, tiêu chí và cách thức đánh giá kết quả hoạt động của chính quyền địa phương. Bỏ chỉ tiêu GDP và tăng trưởng GDP ở các cấp chính quyền địa phương; bỏ mục tiêu và chỉ tiêu về lượng thay vào đó là các chỉ tiêu về chất lượng các loại dịch vụ công… Đồng thời, thiết lập hệ thống thông tin quản lý thống nhất trong cả nước về đầu tư công; công khai và minh bạch hóa thông tin về đầu tư nhà nước nói chung và từng dự án đầu tư nhà nước nói riêng. Bên cạnh đó, phải xác định và thực hiện tuyệt đối nghiêm minh kỷ luật ngân sách. Trường hợp vượt dự toán chi đối với dự án đầu tư (ngoài chi phí phát sinh do xảy ra các rủi ro đã xác định trong dự toán), thì các bên có liên quan (chủ đầu tư, nhà thầu) phải chịu trách nhiệm bù đắp.

Rà soát lại các dự án công từ 10.000 tỷ đồng trở lên

Bộ KH&ĐT được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát lại các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên
Ngày 12/5, Văn phòng Chính phủ đã phát đi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát lại các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên để xác định chính xác tổng mức đầu tư cần thiết, bảo đảm đầu tư dự án tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công; thực hiện nghiêm chủ trương và pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công; kịp thời rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Đầu tư công; đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ chi tiêu công theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; phối hợp thẩm định, giám sát chặt chẽ việc bán tài sản công, định giá giá trị doanh nghiệp có lợi thế về đất đai, thương hiệu, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá chủ trương, chính sách và tình hình triển khai thực hiện các dự án PPP; trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật để thu hút tối đa nguồn vốn đầu tư của xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng tới các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước vào đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Chuyên đề