Phiếu thuận cho PPP Sân bay Lào Cai

Đề xuất xây dựng Dự án Cảng hàng không Lào Cai trị giá hơn 3.500 tỷ đồng theo hình thức đối tác công – tư (PPP) của UBND tỉnh Lào Cai đã nhận những phiếu thuận đầu tiên.
Phối cảnh dự án Sân bay Lào Cai
Phối cảnh dự án Sân bay Lào Cai

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là cơ quan đầu tiên bỏ phiếu ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Dự án Cảng hàng không Lào Cai theo hình thức PPP đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành làm cơ sở để Thủ tướng quyết định.

Bộ GTVT cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cho các dự án thuộc nguồn ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách Trung ương hạn hẹp, việc thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là cần thiết. Do vậy, căn cứ trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương và để tạo thuận lợi trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất giao UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức lập đề xuất dự án làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng Dự án.

“Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND tỉnh Lào Cai thực hiện theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.

Vào tháng 2/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã đề nghị được thực hiện Dự án Cảng hàng không Lào Cai theo hình thức PPP; đồng thời giao địa phương này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập đề xuất dự án làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ – CP.

Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, đề xuất này sẽ giải quyết bài toán khó khăn về vốn đầu tư của dự án được dự báo có quy mô 3.500 tỷ đồng.

Được biết, Cảng hàng không Lào Cai là cảng hàng không nội địa dùng chung giữa dân dụng và quân sự đạt tiêu chuẩn 4C và sân bay quân sự cấp II có khả năng đón các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Sân bay có 2 vị trí đỗ tàu bay, công suất 560.000 hành khách và 600 tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2030, Cảng Hàng không Lào Cai sẽ nâng công suất lên 1,585 triệu hành khách và 2.880 tấn hàng hóa/năm với 5 vị trí đỗ tàu bay.

Tại khu vực xây dựng Cảng Hàng không Lào Cai sẽ được xây dựng một nhà ga hành khách trên khu đất 10.000 m2 với công suất thiết kế 308 hành khách/giờ cao điểm và trong giai đoạn tiếp theo là 634 hành khách/giờ cao điểm.

Trong quy hoạch đến năm 2030, Cảng Hàng không Lào Cai sẽ xây dựng thêm nhiều hạng mục quan trọng như khu thương mại, dịch vụ, nhà ga hàng hóa...

Việc xây dựng cấp sân bay 4C tại Lào Cai sẽ đủ đáp ứng nhu cầu bay tới tất cả các sân bay trong nước và một số sân bay quốc tế như Jakarta (Indonesia), Singapore, Malaysia, Côn Minh (Trung Quốc) và Vientiane (Lào).

Hiện SunGroup là một trong số những nhà đầu tư đã đệ đơn sớm nhất lên Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam xin tham gia đầu tư Dự án Cảng hàng không Lào Cai theo hình thức xã hội hóa.

Nhà đầu tư này tham vọng xây dựng một sân bay có quy mô hiện đại, là điểm nhấn kiến trúc thu hút khách từ TP.HCM, Đà Nẵng và nối với Trung Quốc, Singapore, Thái Lan.

Tại Lào Cai, từ tháng 2/2016, SunGroup đã đưa vào khai thác quần thể công trình du lịch văn hóa, cáp treo, vui chơi giải trí tại Fansipan Sapa có tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng. Nhà đầu tư này cũng đang tiếp tục đầu tư đưa vào hoạt động khu công viên giải trí Sapa, tổ hợp khách sạn cao cấp 5 sao tại Sapa với quy mô trên 4.000 tỷ đồng.

“Việc nhà đầu tư lớn như SunGroup sẵn sàng bỏ vốn sẽ khiến cho mục tiêu đầu tư Cảng hàng không Lào Cai theo hình thức PPP có tính khả thi cao”, ông Đào Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Chuyên đề