Pháp luật cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư

(BĐT) - Dự thảo mới nhất của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) giữ quy định về ưu tiên áp dụng Luật PPP khi có quy định khác nhau giữa Luật PPP và các luật khác về một số nội dung đặc thù áp dụng trực tiếp cho dự án PPP. Điều này thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án PPP.
Dự án PPP có thời gian hoàn vốn dài, sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có một hành lang pháp lý ổn định. Ảnh: Lê Tiên
Dự án PPP có thời gian hoàn vốn dài, sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có một hành lang pháp lý ổn định. Ảnh: Lê Tiên

Cụ thể, Khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật nêu: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này”.

Trong Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về Dự án Luật, Chính phủ cho rằng, quy định này sẽ tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư dài hạn. Đồng thời, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội kết quả rà soát sự thống nhất, đồng bộ giữa dự thảo Luật PPP và một số luật có liên quan; qua đó chỉ rõ các nội dung thống nhất với các luật và các nội dung đặc thù cần sự khác biệt.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, thời gian áp dụng cho một dự án PPP thường kéo dài nhiều năm, trong điều kiện hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung thường xuyên thì Luật PPP phải là luật được ưu tiên thực hiện. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị giữ nội dung tại Khoản 2 Điều 3 vì Dự thảo Luật đã giới hạn phạm vi rất hẹp, mang tính đặc thù để áp dụng ưu tiên theo Luật PPP, nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. 

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, khi cho ý kiến lần đầu về Dự Luật PPP, nhiều ĐBQH thống nhất việc cần phải có quy định nội dung khác biệt như nêu trên. Bên cạnh đó, một số ĐBQH cũng yêu cầu rà soát lại, cần tuân thủ quy định của Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL).

Tuy nhiên hiện Luật BHVBQPPL cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Theo Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội, Luật BHVBQPPL quy định: trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau (Khoản 3 Điều 156). Ngoài nguyên tắc nêu trên, thực tế trong hệ thống pháp luật hiện nay còn tồn tại nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật” như trong Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015… và cả trong một số dự án luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. “Việc tồn tại đồng thời 2 nguyên tắc áp dụng pháp luật như vậy dẫn đến phát sinh xung đột, mâu thuẫn trong một số trường hợp do không xác định được phải áp dụng theo quy định nào”, UBPL nhận định.

Dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL đưa ra 2 phương án về nguyên tắc áp dụng pháp luật. Phương án thứ nhất là giữ nguyên như hiện nay. Phương án 2 theo hướng: trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau; trường hợp văn bản ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật đối với vấn đề đó thì áp dụng quy định của văn bản ban hành trước.

Tuy nhiên, từ góc độ đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nguyên tắc áp dụng pháp luật theo quy định hiện hành của Luật BHVBQPPL khiến cho văn bản pháp luật ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng so với văn bản ban hành trước, có thể làm cho hệ thống pháp luật kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và hay thay đổi.

Có lẽ các nhà đầu tư dự án BOT, BT thấu hiểu rất rõ tác động từ thay đổi chính sách, từ nguyên tắc áp dụng pháp luật hiện nay, khi mà có trường hợp vì văn bản pháp luật có những quy định khác, đã khiến cho dự án phải gặp khó khăn, thậm chí thay đổi phương án tài chính. Tại các cuộc tham vấn về Dự Luật PPP, ý kiến nhà đầu tư trong và ngoài nước, chuyên gia quốc tế đều khuyến nghị cần một sự đảm bảo vững chắc về pháp lý để nhà đầu tư yên tâm hơn khi rót vốn vào những dự án lớn có thời gian hoàn vốn dài, và điều đó cần được thể hiện ngay tại Luật PPP.

Chuyên đề