“Phải nắm bắt ngay thời cơ để bứt phá”

(BĐT) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. Mặc dù chỉ mới là bước khởi đầu nhưng VKFTA đang hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội tốt, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Man Kon Kim, Chuyên gia Hàn Quốc của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Nam thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.

“Phải nắm bắt ngay thời cơ để bứt phá” ảnh 1

Ông Man Kon Kim

Là chuyên gia cao cấp đang hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xúc tiến thương mại và đầu tư vào Hàn Quốc và ngược lại, điều gì khiến ông tâm đắc nhất khi VKFTA chính thức có hiệu lực?

Sau hơn 2 năm đàm phán với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết VKFTA. Cũng cần nhấn mạnh thêm, ngoài VKFTA ra, Việt Nam còn ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng khác. Không thể chối cãi là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã từng bước được khẳng định. Nhưng điều khiến chúng tôi tâm đắc nhất, đặc biệt là khi VKFTA được thực thi, chính là cánh cửa thị trường đã thực sự rộng mở đối với các bên. Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội chưa bao giờ nhiều và hấp dẫn như hiện nay.

Năm 2014, Hàn Quốc chiếm vị trí quán quân về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo ước tính, số vốn FDI của các DN Hàn Quốc rót vào Việt Nam trong 11 tháng của năm 2015 là khoảng 6,3 tỷ USD, chiếm đến 31% vốn ngoại. Hình như gần đây đang có một làn sóng đầu tư của Hàn Quốc dịch chuyển mạnh vào Việt Nam, thưa ông?

Những năm gần đây, làn sóng các DN Hàn Quốc đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vẫn không ngừng tăng. Chính phủ Hàn Quốc luôn khuyến khích các DN nước mình đầu tư vào Việt Nam, xem Việt Nam là điểm đến an toàn và chiến lược. Mỗi tháng, Chính phủ hoặc Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ và kết nối cho các nhà đầu tư khoảng 1 tới 2 lần đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Hiện tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc như Sam Sung, Hyundai, Kumho Asiana, Heasung Vina, LG, Lotte, Vina Electronic... đều đã có các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Sự dịch chuyển mạnh nguồn vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam là có thật, hiển nhiên và đang tiếp tục diễn ra. 

Thời gian qua, có nhiều dự án của Hàn Quốc đang triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc sau đó đã chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Theo ông, vì sao các DN Hàn Quốc lại có sự “dứt áo ra đi” như vậy?

Có bốn lý do cơ bản dẫn đến sự “dứt áo ra đi” của một số DN Hàn Quốc tại Trung Quốc. Thứ nhất, đó là tỷ giá đồng nhân dân tệ rất khó dự đoán so với đồng tiền của Việt Nam. Thứ hai, chi phí sản xuất, chi phí điện nước, chi phí gia công ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với Trung Quốc, trong khi đó, cơ cấu dân số trẻ, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo tốt. Thứ ba, mức độ can thiệp của Chính phủ và chính quyền ở Trung Quốc đối với các DN Hàn Quốc rất lớn. Ở Trung Quốc, các DN của Hàn Quốc bị họ kiểm soát rất nhiều, còn ở Việt Nam, DN của Hàn Quốc không bị đối xử như vậy. Thứ tư, tuy là ở góc độ cảm tính, nhưng khi có chuyện gì xảy ra, ở Trung Quốc họ luôn cho họ là quan trọng hơn người Hàn Quốc nên mọi thiệt thòi dường như DN Hàn Quốc phải gánh lấy. Còn ở Việt Nam, nếu có chuyện gì xảy ra, hai bên sẽ ngồi lại cùng nhau để giải quyết một cách thỏa đáng, nên chúng tôi luôn có cảm giác an tâm và hài lòng.

Quay trở lại VKFTA, với kinh nghiệm của ông, các DN của Hàn Quốc và Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng triệt để lợi thế mà hai nước đã cam kết mở cửa?

Nếu chúng ta quan sát thì sẽ thấy, suốt thời gian qua các DN Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho việc tham gia vào sân chơi VKFTA. Lúc đầu chỉ là các công ty nhỏ vào đầu tư ở Việt Nam, nhưng càng ngày càng có nhiều công ty lớn nhảy vào, với tốc độ phải nói là tăng chóng mặt. Những ngành triển vọng nhất của Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam vẫn là dệt may và công nghiệp điện, điện tử. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều bởi việc cạnh tranh ở thị trường nội địa Việt Nam rất lớn, mặt khác do quy mô của thị trường nhỏ, nên các DN Hàn Quốc phải tìm thị trường khác để xuất khẩu.

Riêng phía Việt Nam, các bạn đang có thế mạnh về chế biến nông, lâm, thủy hải sản, đặc biệt là trái cây, hạt điều. Chúng tôi đang nghĩ đến hướng hỗ trợ người nông dân và các chủ đồn điền Việt Nam để chuẩn bị những hướng dẫn chi tiết nhất giúp họ xuất khẩu những sản phẩm này qua Hàn Quốc một cách thuận lợi nhất. Cơ chế, chính sách, tiềm năng, lợi thế của mỗi bên đã rõ, vấn đề còn lại là phải nắm bắt ngay thời cơ để bứt phá.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên đề