Nỗi lo nguồn cung vật liệu cho dự án giao thông miền Tây

(BĐT) - Với điều kiện địa chất phức tạp, trữ lượng đá, cát khai thác phục vụ cho xây dựng thấp, việc tổ chức thi công dự án đường cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là bài toán lớn về nguồn cung vật liệu đối với nhà thầu, chủ đầu tư. Câu chuyện chất lượng đá tại công trường Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa qua đã phần nào phản ánh khó khăn này.
Đối với các công trình lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chủ đầu tư và đơn vị thi công đang gặp nhiều khó khăn để đáp ứng nguồn cung vật liệu xây dựng. Ảnh: Lê Tiên
Đối với các công trình lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chủ đầu tư và đơn vị thi công đang gặp nhiều khó khăn để đáp ứng nguồn cung vật liệu xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

Công trình miền Tây, lấy đá miền Đông

Đó là câu cửa miệng của nhiều nhà thầu khi trao đổi với Báo Đấu thầu liên quan đến mối lo nguồn cung vật liệu đầu vào cho công trình. Do số lượng và trữ lượng của các mỏ đá tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không đáp ứng được nhu cầu xây dựng, đặc biệt đối với những đại dự án như cao tốc, buộc các nhà thầu phải vòng ngược lại khu vực miền Đông để tìm nguồn cung.

Mới đây, tại Gói thầu XL10 thuộc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khánh Cường là nhà thầu cung cấp vật liệu đá dăm cấp phối. Theo hợp đồng ký kết, Công ty  cung cấp phối đá dăm loại 1 được lấy từ mỏ đá Thạnh Phú 2, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, qua kiểm tra, phát hiện 1 sà lan gồm 310 m3 cấp phối đá dăm loại 1 khác xuất xứ so với hợp đồng đã ký. Với kết quả kiểm tra trên, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đình chỉ việc cung cấp vật liệu cho Dự án đối với nhà thầu này.

Để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng vật liệu cung cấp cho dự án, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết sẽ điều chỉnh quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn, như: kiểm soát nguồn gốc, chất lượng vật liệu tại mỏ; kiểm soát vật liệu trước khi tập kết từ sà lan lên công trường; kiểm soát vật liệu trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình thi công...

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu thi công cho biết, việc Ban Điều hành Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phát hiện sớm khối lượng cấp phối đá dăm khác xuất xứ và có biện pháp xử lý mạnh tay rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, từ góc độ nhà cung cấp vật liệu, một số đơn vị cho biết rất khó khăn để bảo đảm ổn định nguồn cung trong thời điểm hiện tại. Bởi, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang vào thời điểm hạn mặn gay gắt khiến hệ thống kênh, mương, cống đập phải đóng lại, dẫn tới việc vận chuyển vật liệu gần như tê liệt, chậm trễ, chi phí tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cấp phối đá dăm lại lấy từ mỏ đá ở khu vực khác trong bối cảnh giãn cách xã hội thời gian qua là áp lực lớn với nhiều nhà thầu cung cấp vật liệu.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gần như chỉ có các mỏ đá của tỉnh An Giang là đủ chất lượng để cung cấp cho các công trình xây dựng thông dụng. Riêng đối với dự án cao tốc cần sử dụng khối lượng vật liệu lớn, chủ đầu tư và các đơn vị thi công luôn trong tình trạng căng thẳng để ổn định nguồn cấp phối đá dăm này. 

Nhà thầu thường trực nhiều nỗi lo

Để bảo đảm việc tổ chức lựa chọn nhà thầu chất lượng, nhiều chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải đề xuất, cam kết về nguồn gốc vật liệu xây dựng chính như cát, đá, sắt thép… Thậm chí, yêu cầu nhà thầu cụ thể hóa kế hoạch cung cấp vật liệu từ những chỉ dẫn trong hồ sơ dự thầu.

Thông tin với Báo Đấu thầu, một nhà thầu chuyên thi công hệ thống thủy lợi cho biết, vật liệu trước khi vào công trình phải qua các khâu kiểm tra, kiểm nghiệm phân tích của các phòng kiểm nghiệm có đầy đủ chức năng được cho phép. “Trong trường hợp nguồn vật liệu như cát, đá đã cam kết bị gián đoạn, nhà thầu phải trình lên chủ đầu tư phương án thay thế nguồn cấp khác, nhưng với điều kiện chất lượng, tiêu chuẩn tương đương hoặc cao hơn nguồn cấp đã cam kết. Kể cả trong trường hợp này, chủ đầu tư vẫn phải xem xét và cân nhắc kỹ, thậm chí có quyền từ chối giải pháp thay thế của nhà thầu”, nhà thầu này cho biết.

Ổn định nguồn cung, chất lượng vật liệu cho các công trường tại dự án cao tốc đòi hỏi bộ máy quản lý của chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải luôn vận hành chuyên nghiệp, tập trung. Với việc Bộ Giao thông vận tải công bố nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang ráo riết triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nỗi lo về nguồn cung vật liệu vẫn luôn thường trực với các nhà thầu nơi đây.

Chuyên đề