Nỗ lực cao để đạt mục tiêu tăng trưởng

(BĐT) - Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% như kịch bản lần 1 đã đề ra, các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội cả ở trong nước và quốc tế, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh… 
Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,6-6,8%, các quý còn lại của năm 2019, khu vực công nghiệp và xây dựng phải tăng trưởng cao hơn kịch bản đã xây dựng. Ảnh Lê Tiên
Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,6-6,8%, các quý còn lại của năm 2019, khu vực công nghiệp và xây dựng phải tăng trưởng cao hơn kịch bản đã xây dựng. Ảnh Lê Tiên

Kết quả tích cực nhưng còn nhiều thách thức

Số liệu tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 cuối tuần qua là ổn định, tích cực, tiếp tục kết quả tốt của năm 2018.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định lạm phát được kiểm soát tương đối tốt dù tháng 2 là tháng Tết âm lịch với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tăng cao; công tác điều hành giá cả hợp lý trước những diễn biến trên thị trường hàng hóa thế giới, đảm bảo không gây sức ép bất lợi tới lạm phát; thị trường tài chính tiền tệ diễn biến tích cực.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT chỉ ra còn nhiều thách thức như nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam, thay đổi chuỗi cung ứng khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng; việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế; công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng so với yêu cầu tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, công cuộc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố đang tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam…

Cập nhật kịch bản tăng trưởng

Theo Bộ KH&ĐT, trên cơ sở số liệu thực hiện 2 tháng đầu năm 2019, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I năm 2019 là 6,58% so với cùng kỳ năm 2018. Đối chiếu với kịch bản tăng trưởng lần 1 được xây dựng vào cuối tháng 11/2018, tốc độ tăng trưởng quý I năm nay thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng quý I của kịch bản theo phương án thấp (6,76%).

Bộ KH&ĐT cho biết, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% như kịch bản lần 1 đã đề ra, các quý còn lại của năm 2019 trong khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) phải tăng trưởng cao hơn kịch bản đã xây dựng.

Cụ thể, theo phương án cao, GDP tăng 6,8% so với năm 2018, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), khu vực dịch vụ (khu vực III) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm các quý không thay đổi so với kịch bản lần 1; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) quý 2 tăng 9,11%; quý 3 tăng 9,28%; quý 4 tăng 8,02% để cả năm tăng 8,57% như kịch bản lần 1 đã đặt ra. GDP quý 2, 3 và 4 tăng lần lượt là 6,77%; 7,13% và 6,7%.

Phương án thấp: GDP tăng 6,6% so với năm 2018, trong đó: khu vực I, khu khu vực III và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm các quý không thay đổi so với kịch bản lần 1; khu vực II quý 2 tăng 8,75%; quý 3 tăng 8,91%; quý 4 tăng 7,63% để cả năm tăng 8,26% như kịch bản lần 1. GDP quý 2, 3 và 4 tăng lần lượt là 6,55%; 6,89% và 6,4%.

Bộ KH&ĐT đề xuất trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm ổn định, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt chủ đề hành động năm 2019 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tháng 3 là tháng cuối cùng của Quý I, phải hết sức tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quý I và của cả năm.

Chuyên đề