Những công trình thay đổi bộ mặt đô thị TP.HCM

(BĐT) - 45 năm sau chiến thắng 30/4 lịch sử, TP.HCM đã vươn vai trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế, nơi khơi dậy sức trẻ, sự năng động và khát vọng chinh phục. Cùng Báo Đấu thầu điểm lại các dự án hạ tầng quy mô lớn của TP.HCM đã được khởi công và sẽ hoàn thành trong thời gian tới, hứa hẹn giúp Thành phố hiện đại, khang trang hơn.
Giai đoạn 1 của Dự án Bến xe Miền Đông mới đã hoàn thành và chuẩn bị khai trương. Ảnh: Lê Toàn
Giai đoạn 1 của Dự án Bến xe Miền Đông mới đã hoàn thành và chuẩn bị khai trương. Ảnh: Lê Toàn

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên): Bước đột phá của thành phố dẫn đầu

Trong những ngày đầu tháng 4/2020 vừa qua, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của Nhà thầu Hitachi đã thực hiện các công đoạn kiểm tra kỹ thuật lần cuối cùng tại Nhật Bản trước khi vận chuyển đoàn tàu thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) về Việt Nam. Những đoàn tàu màu xanh đầy hy vọng về tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của cả nước lao vút nhanh trong lòng Thành phố một ngày không xa.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo quy định của Chính phủ hai nước Nhật Bản (nơi sản xuất đoàn tàu) và Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản tạm thời chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là các chuyên gia đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật sẽ đi cùng các đoàn tàu, vì vậy các đoàn tàu chưa thể vận chuyển về Việt Nam trong thời điểm này. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cùng Nhà thầu Hitachi đang nỗ lực tìm các giải pháp tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa đoàn tàu về Việt Nam trong quý II năm 2020. 

Tuyến metro số 1 dài 19,7 km gồm 14 ga, kéo dài từ Long Bình (Quận 9) đến Bến Thành (Quận 1) với 4 gói thầu. Trong đó, 3 gói thầu xây lắp chính gồm: Gói thầu số 1 xây đoạn ngầm dài 2,6 km (gồm ga Ba Son, Nhà hát Thành phố và ga Bến Thành); Gói thầu số 2 xây đoạn trên cao; Gói thầu số 3 về thiết bị, đầu máy toa xe.

Dự án Tuyến metro số 1 được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007, với tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng. Đến năm 2010, mức đầu tư tăng lên 47.000 tỷ đồng do điều chỉnh thiết kế, tỷ giá thay đổi... Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Quốc hội cho phép Thành phố duyệt tổng mức đầu tư mới là 43.600 tỷ đồng. Được khởi công vào tháng 8/2012, hơn 12 km trên cao đã được thông tuyến vào tháng 6/2018. Ngày 17/2, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã tổ chức lễ thông tuyến toàn Dự án. Khi đưa vào khai thác, vận hành, tuyến metro số 1 sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, một bộ mặt mới cho TP.HCM - hiện đại, năng động, hiệu quả.

Dự án Giải quyết ngập do triều - giai đoạn 1 dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020

Dự án Giải quyết ngập do triều - giai đoạn 1: Hiệu quả từ dự án hạ tầng có sự tham gia của tư nhân

Không còn cảnh các phương tiện giao thông lội bì bõm trên các tuyến đường ngập sâu do triều cường dâng cao, không còn cảnh tát nước ngập ra khỏi nhà, không còn cảnh các cửa hàng đìu hiu vắng khách, phải đóng cửa do bị ngập nước. Đó chính là vai trò quan trọng của Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1. Dự án góp phần ngăn triều, chống ngập với diện tích khoảng 570 km2 thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố, gồm các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè khi Dự án đi vào vận hành.

Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 là chủ đầu tư Dự án, triển khai theo loại hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, các cống nhỏ và 7,8 km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn. Hiện Dự án thực hiện đạt 78% giá trị xây lắp, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2020.

Cầu Thủ Thiêm 2: Điểm nhấn cho TP.HCM hoa lệ

Cầu Thủ Thiêm 2 là cầu dây văng có kiến trúc hình rồng nên khi hoàn thành không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn là điểm nhấn về kiến trúc của Thành phố.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, nếu thuận lợi, khoảng quý II/2020 sẽ hợp long được phần cầu chính. Đến cuối năm 2020, đầu năm 2021 hoàn thành phần cầu nối từ đường Lê Duẩn chạy dọc đường Tôn Đức Thắng.

Cầu Thủ Thiêm 2 nối từ đại lộ vòng cung - Thủ Thiêm đến đường Lê Duẩn, Quận 1, được xây dựng theo hợp đồng BT do TP.HCM ký kết với Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Cầu gồm 6 làn xe, có chiều dài 1.465 m, trong đó phần cầu dài 885,7 m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu Rồng cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Tổng mức đầu tư của Dự án là 4.260 tỷ đồng. 

Bến xe Miền Đông mới: Tăng kết nối cho toàn khu vực

Dự án Bến xe Miền Đông mới (Quận 9, TP.HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được khởi công từ tháng 4/2017, có tổng diện tích 16 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là bến xe được xây dựng lớn nhất nước và hiện đại trong khu vực Đông Nam Á, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm. Giai đoạn 1 của Dự án được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng, đã hoàn thành và chuẩn bị khai trương.

Theo kế hoạch di dời các tuyến vận tải hành khách cố định từ Bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) ra Bến xe Miền Đông mới, giai đoạn 1 di dời 29 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc). Trung bình có khoảng 40 chuyến xe khách/ngày hoạt động tại bến xe mới. Bên cạnh đó, có khoảng 80 chuyến xe buýt/ngày phục vụ khách ra vào Bến xe.

Giai đoạn 2, dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành các công trình xây dựng quanh Bến xe như: hầm chui, cầu vượt, cải tạo mở rộng Quốc lộ 1, hệ thống đường Hoàng Hữu Nam. Khi đó sẽ di dời tiếp 85 tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và các tuyến liên vận quốc tế sang Bến xe Miền Đông mới. Hiện nay, các công trình giao thông kết nối xung quanh Bến xe đã gần hoàn thiện.

Chuyên đề