Nhiều ý kiến khác nhau về đầu tư BT

(BĐT) - Duy trì hay không loại hợp đồng BT trong đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nếu duy trì thì sửa đổi ra sao để bảo đảm hiệu quả? Đây vẫn là vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau. Trong Dự thảo Tờ trình Chính phủ về Luật PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổng hợp 3 phương án, tất cả đều cần có những điều kiện nhất định để có thể triển khai hiệu quả. 
Số lượng dự án BT hiện chiếm hơn một nửa tổng số các dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Số lượng dự án BT hiện chiếm hơn một nửa tổng số các dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Duy trì hay không?

Từ năm 1997 đến nay, quy định pháp lý đối với loại hợp đồng BT có 4 lần thay đổi về hình thức thanh toán (bằng tiền, quỹ đất, tài sản công, quyền kinh doanh khai thác công trình). Theo cơ chế hiện hành, nguồn lực công đối ứng được xác định ngang giá với giá trị công trình BT.

Theo nhiều địa phương, hình thức đầu tư này đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, thay đổi diện mạo các địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều tồn tại. Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vi phạm điển hình trong đầu tư BT tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM - nơi bất động sản có giá trị cao. Đó là tổng mức đầu tư công trình BT quá cao; áp dụng chỉ định thầu tràn lan; xác định giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán dự án BT không theo cơ chế cạnh tranh của thị trường, chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định…

Nghị định 63/2018/NĐ-CP đã có một số điều chỉnh nhằm khắc phục các tồn tại của hình thức đầu tư BT, nhưng các vấn đề vẫn chưa được xử lý triệt để.

Thời gian qua, có khá nhiều quan điểm khác nhau đối với hình thức đầu tư BT. Trong báo cáo tổng kết tình hình thực hiện dự án BT năm 2018, nhiều địa phương cho rằng nên duy trì hình thức đầu tư này để có thêm nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nhưng siết chặt phạm vi áp dụng. Ví dụ, chỉ áp dụng loại hợp đồng này tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém và ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng, để tổ chức, quản lý hiệu quả loại hợp đồng BT cần có khung pháp lý chặt chẽ hơn, cần có Luật PPP và trong đó có một chương riêng về BT, từ đó tháo gỡ những vướng mắc hiện tại trong triển khai như chồng chéo giữa các văn bản pháp luật liên quan đến xác định giá trị quỹ đất hoàn vốn; tăng cường giám sát… Bên cạnh đó cũng có một số địa phương cho rằng không nên duy trì hình thức hợp đồng này.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rất ít quốc gia triển khai loại hợp đồng BT. Đặc biệt, không có quốc gia nào thanh toán dự án BT hoàn toàn bằng quỹ đất hoặc tài sản công. Một số nước thực hiện dự án BT theo phương thức thanh toán dần bằng tiền như Philippines. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều có hình thức khai thác nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng. 

3 phương án và những điều kiện cần

Trong Dự thảo Tờ trình Dự án Luật PPP, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp 3 phương án được các bộ, ngành, địa phương lựa chọn để lấy ý kiến.

Phương án 1: Dừng triển khai đầu tư theo hình thức BT. Theo Bộ KH&ĐT, kết quả tổng hợp ý kiến cho thấy, hầu hết các cơ quan ủng hộ tiếp tục thực hiện đầu tư theo hình thức BT, chỉ có Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị dừng triển khai đầu tư theo hình thức BT. Bộ KH&ĐT cho biết, trên thực tế, số lượng dự án BT chiếm hơn một nửa tổng số các dự án PPP, nếu dừng triển khai có thể sẽ tạo sốc cho hệ thống. Tuy nhiên, nếu Luật sửa đổi Luật Đất đai không được hoàn thiện theo hướng có cơ chế định giá đất chính xác, hoàn thiện hơn cũng như có cơ chế điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất thì việc tiếp tục thực hiện đầu tư theo hình thức BT có thể dẫn đến thất thoát lớn.

Phương án 2: Hoàn thiện cơ chế “ngang giá”. Lựa chọn 1 cho phương án 2 là đấu thầu dự án BT, nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng; sau khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thu được sau khi có kết quả đấu giá sẽ được thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư BT, phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chậm thanh toán, nhà đầu tư vẫn được tính chi phí lãi vay trong thời gian chậm thanh toán. Để thực hiện lựa chọn này, cần sửa đổi nội dung tương ứng của Luật Ngân sách nhà nước là tiền đấu giá khu đất được sử dụng để chi trả trực tiếp cho dự án BT mà không hòa vào ngân sách chung.

Lựa chọn 2 của phương án 2 là thực hiện kết hợp đồng thời đấu giá đất và đấu thầu công trình BT. Nhà đầu tư chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định trong hợp đồng. Tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, không phải xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp. Và để thực hiện lựa chọn này, cần sửa đổi nội dung của Luật Đất đai về thời điểm xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với khu đất thanh toán cho dự án BT là khi ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn thông qua đấu thầu.

Phương án 3 là sửa đổi toàn diện phương thức đầu tư BT. Phương án này hướng tới việc nghiên cứu mô hình dự án phù hợp với điều kiện triển khai tại Việt Nam. Trong phương án này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực hiện chức năng chuyên môn như lập và quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, quản lý phát triển đô thị và nhà ở để thực hiện công trình BT cũng như công trình dự án khác có hiệu quả… Trong trường hợp cần thiết, có thể đề xuất sửa đổi các luật liên quan để khai thác tốt nhất giá trị địa tô phục vụ sự phát triển chung.

Chuyên đề