Nhiều ngành công nghiệp “chịu trận” vì giảm thuế

(BĐT) - Một số ngành sản xuất công nghiệp trong nước đã, đang và sẽ phải “chịu trận” do mức độ cạnh tranh gia tăng mạnh khi bước vào giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu.
Ngành công nghiệp ô tô phải chịu áp lực lớn từ các cam kết cắt giảm thuế quan. Ảnh: Lê Tiên
Ngành công nghiệp ô tô phải chịu áp lực lớn từ các cam kết cắt giảm thuế quan. Ảnh: Lê Tiên

Theo lưu ý của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, mặt hàng thép cùng với ô tô, xe máy, ngành điện tử, sản phẩm nhựa là những ngành công nghiệp chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan.

Điển hình như thép là mặt hàng chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn từ năm 2015 bởi thuế suất của tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều thấp hơn so với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Và đến cuối lộ trình (năm 2018), thuế suất trung bình của các FTA như Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) sẽ chỉ ở mức 0 - 5%. Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Việt Nam phải đưa thuế phôi thép để sản xuất thép cuộn, thép chứa Bo về 0% năm 2018 và phôi để sản xuất thép câu về dưới 5% vào năm 2020.

Hoặc như ngành ô tô chỉ cam kết cắt giảm thuế trong ATIGA và ACFTA, các FTA khác thuộc Danh mục loại trừ. Trong ATIGA, thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0% năm 2018; với ACFTA, thuế nhập khẩu sẽ về 50% vào năm 2020. Ông Trần Thanh Hải nhận định, trong ASEAN, các quốc gia như Thái Lan và Indonesia đã có ngành ô tô rất phát triển. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành sản xuất ô tô trong nước.

Ô tô nằm trong một số mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu có kim ngạch gia tăng đột biến gần đây. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng số xe ô tô dưới 9 chỗ nhập về trong 2 tháng đầu năm 2017 lên tới gần 10.000 chiếc. Đối với mặt hàng ô tô, Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân chủ yếu là gia tăng nhập khẩu từ ASEAN và Ấn Độ.

Ngoài ra, có thể kể đến nhóm hàng máy móc thiết bị cũng chịu nhiều sức ép. Đây là những ngành Việt Nam ít có lợi thế xuất khẩu. Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị từ 37 nước, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm trung bình gần 35% tỷ trọng.

Ngành giấy cũng được cho là đứng trước nhiều áp lực. Hiện nay Việt Nam chỉ sản xuất được các sản phẩm như giấy in, giấy in báo, giấy bao bì công nghiệp thông thường, giấy vàng mã, giấy vệ sinh chất lượng thấp, các loại giấy khác vẫn phải nhập khẩu. Trong mấy năm gần đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu giấy từ ASEAN (chiếm 50% lượng nhập khẩu từ thế giới). Thuế nhập khẩu đối với giấy các loại trong ATIGA đã ở mức thấp và sẽ về 0% năm 2018. Đối với bột giấy, việc cắt giảm thuế sẽ về 0% đến năm 2019 với tất cả các FTA.

Chuyên đề