Nhiều lĩnh vực hút vốn đầu tư Nhật Bản

(BĐT) - Hiện tại, Nhật Bản đã có trên 3.400 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 44 tỷ USD, là đối tác đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam. 
Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều nhất vốn đầu tư của Nhật Bản với 33,82 tỷ USD. Ảnh: NĐH
Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều nhất vốn đầu tư của Nhật Bản với 33,82 tỷ USD. Ảnh: NĐH

Việc Việt Nam tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý và tạo mọi thuận lợi đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng được đánh giá là cơ hội và cũng là thế mạnh của các nhà đầu tư Nhật Bản, mở ra triển vọng đột phá về hợp tác đầu tư Việt - Nhật thời gian tới.

Đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hiện đã được triển khai trên 19 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh. Cụ thể là công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.568 dự án, tổng vốn đầu tư 33,82 tỷ USD, chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư đăng ký; kinh doanh bất động sản với 58 dự án, tổng vốn đầu tư 1,96 tỷ USD; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với 14 dự án, tổng vốn đầu tư 1,29 tỷ USD...

Các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 2.829 dự án, tổng vốn đầu tư 24,84 tỷ USD, chiếm trên 57% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là hình thức liên doanh với 555 dự án, tổng vốn đầu tư 15,66 tỷ USD. Còn lại là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO.

Hiện tại, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với 14 dự án có tổng vốn đầu tư 9,73 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hà Nội với 894 dự án và tổng vốn đầu tư 4,92 tỷ USD. Tiếp theo là các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Hưng Yên...

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua phần lớn đều có hiệu quả và có kế hoạch mở rộng hoặc tăng đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đối với các doanh nghiệp Nhật Bản năm 2016 cho thấy, 60% các doanh nghiệp cho biết làm ăn có lãi và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.  

Hạ tầng - lĩnh vực có nhiều triển vọng đầu tư

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Nhật Bản vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà đầu tư Nhật Bản 3 cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thứ nhất là việc Việt Nam đang tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý và tạo mọi thuận lợi đẩy mạnh mô hình hợp tác PPP trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng, là cơ hội đầu tư và cũng là một thế mạnh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản. Thứ hai, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn. Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Và thứ ba, hiện tại, Việt Nam đang thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với khu vực và toàn cầu. Việt Nam tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua đơn giản hóa các thủ tục chuyển nhượng vốn góp đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam, đồng thời mong muốn các quỹ đầu tư, các tập đoàn từ Nhật Bản nghiên cứu đầu tư vào các dự án đang hoạt động hoặc đề xuất các dự án mới theo danh mục các dự án ưu tiên.

Theo Bộ KH&ĐT, thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung vào các tập đoàn lớn của Nhật Bản đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng, công nghệ cao. Đây là các lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh. Phía Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản thông qua nhiều kênh đối thoại đặc biệt về chính sách nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Chuyên đề