Nhiều giải pháp quyết liệt thúc giải ngân vốn đầu tư công

(BĐT) - Ngày hôm nay (26/9), Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra tại Hà Nội, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Nguyên nhân chậm giải ngân sẽ được phân tích, nhìn nhận trực diện, cụ thể, và nhiều giải pháp quyết liệt sẽ được đưa ra để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kế hoạch năm 2019.
Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao. Ảnh: Lê Tiên
Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao. Ảnh: Lê Tiên

Nơi sắp cán mốc, nơi vẫn ách tắc

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này cơ bản tương tự các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương rất khác nhau, nhiều địa phương đã vượt 80% kế hoạch vốn, trong khi rất nhiều đơn vị còn chưa đạt một nửa kế hoạch, thậm chí chưa đạt 30%. Cụ thể, có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó có 4 bộ, ngành và 4 địa phương đạt trên 80%. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, ngành và 19 địa phương đạt dưới 50%, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương dưới 30%.

Theo số liệu cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư, Quảng Trị là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao. Theo ông Nguyễn Cảnh Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Trị, Tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn, quan trọng nhất là sự chỉ đạo rất quyết liệt của Tỉnh ủy, trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy. Lãnh đạo UBND Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư có công trình giải ngân thấp. Tỉnh ủy cũng có văn bản chỉ đạo năm nay phải giải ngân 100% kế hoạch vốn dù quy định cho phép nguồn bố trí kế hoạch năm 2019 có thể được kéo dài qua năm 2020.

Từ việc tỷ lệ giải ngân chênh lệch rất cao giữa các địa phương, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, cùng một mặt bằng chính sách nhưng có địa phương làm tốt, có địa phương làm không tốt, cho thấy yếu tố thực thi chính sách là rất quan trọng. Bên cạnh những nguyên nhân do chính sách, do khách quan, do năng lực chủ đầu tư, nhà thầu…, thì việc người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đến đâu sẽ có tác động rất lớn đến giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả giải ngân tốt của một số địa phương đã chứng minh điều đó.

Tổng hợp chung từ báo cáo của các địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm, có nguyên nhân trực tiếp, có nguyên nhân gián tiếp, cả chủ quan và khách quan. Dù nguyên nhân là gì, nhưng theo Bộ KH&ĐT, mỗi bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước và cần rút ra bài học để có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, bởi đây là tiền thuế của người dân.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Bộ KH&ĐT đề xuất 4 nhóm giải pháp lớn cần phải tập trung thực hiện để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn, gồm: nhóm giải pháp về thể chế; nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp; nhóm giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; và nhóm giải pháp về chế tài.
Ngay từ những tháng đầu năm, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thường xuyên đốc thúc tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Mới đây nhất, Thủ tướng có Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Một ngày sau đó, Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, và hướng dẫn các giải pháp để giao hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 còn lại.

Những giải pháp đưa ra, theo nhiều chuyên gia, đã khá đầy đủ, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất vẫn là xác định rõ, xử lý trách nhiệm cá nhân, sai đâu sửa đó ngay, không nêu vướng mắc chung chung rồi để đấy. Tại một tọa đàm gần đây, GS. Nguyễn Kế Tuấn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để trị bệnh giải ngân chậm, cần xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong từng khâu của đầu tư công. Ví dụ, khâu thẩm định, tổ chức thực hiện, chọn nhà thầu có lỗi thì phải chịu trách nhiệm chứ không được đổ cho “cả làng”, đổ cho khách quan.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, song song với đảm bảo tiến độ giải ngân, điều quan trọng hơn là cần đảm bảo hiệu quả dự án. Và để giải quyết tận gốc những vấn đề xảy ra trong đầu tư công như chậm tiến độ, thất thoát, kém hiệu quả, cần rất chặt chẽ trong lựa chọn dự án đầu tư công, để nguồn lực được bố trí tập trung cho những dự án hiệu quả.

Trong số những nhóm giải pháp được đưa ra để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân không chỉ cho năm 2019 mà còn có trách nhiệm đối với dự kiến kế hoạch năm 2020 của đơn vị mình. Trong đó, kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đến ngày 30/11/2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm, trừ những dự án mua sắm thiết bị.

Chuyên đề