Nhiều điểm mới tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

(BĐT) -Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa cho biết, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp với nhiều quy định mới liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bổ sung, làm rõ quy định về nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do Nhà nước đầu tư - ảnh Lê Tiên
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bổ sung, làm rõ quy định về nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do Nhà nước đầu tư - ảnh Lê Tiên

 Bộ GTVT cho biết, sau 12 năm đi vào thực tiễn, Luật Giao thông đường bộ 2008  đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự thay đổi, phát triển của đất nước. Một số luật mới được ban hành có sự thay đổi liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý hạ tầng giao thông đường bộ; chưa có khung pháp lý đối với các phương tiện công nghệ mới, phương tiện giao thông thông minh; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa một số loại hình vận tải.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được soạn thảo trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bao gồm 6 nội dung: quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)  bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ, quy định về đường giao thông nông thôn để phù hợp với Chương trình quốc gia về xây dựng Nông thôn mới theo Nghị quyết 26-NQ/TW của BCHTW khoá X; thẩm quyền điều chỉnh các hệ thống đường bộ; điều chỉnh, bổ sung các nội dung nhằm xác định rõ phạm vi bảo vệ đất và quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đồng bộ với quy định của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, theo hướng quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; điều chỉnh các quy định về đầu tư, khai thác, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng ...

Đồng thời, Dự thảo Luật cũng sửa đổi, làm rõ quy định về nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do Nhà nước đầu tư, trong đó phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước gồm: phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành, phí sử dụng đường bộ thu đối với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc có các đường song hành…

Một số điểm mới đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng; các hành vi bị nghiêm cấm đã sửa đổi, bổ sung các hành vi cấm để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc.

Đối với hệ thống báo hiệu đường bộ, dự thảo Luật đưa các quy định về thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu đường bộ, quy định cụ thể hơn về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, nguyên tắc lắp đặt biển báo hiệu. Bên cạnh đó, các nguyên về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường cũng được luật hóa, quy định về khoảng cách đảm bảo an toàn giao thông theo quy tắc 3s và thông lệ quốc tế.

Về vận tải đường bộ, Dự thảo Luật nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải để đảm bảo phân định cụ thể giữa hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ, hoạt động vận tải cá nhân; phân loại lại các loại hình vận tải để đảm bảo phân định rõ, không bị chồng lấn giữa các loại hình vận tải; giảm bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Chuyên đề