Nhiều áp lực giải quyết môi trường từ các FTA

(BĐT) - Trước nỗi lo sự cố môi trường sẽ gia tăng khi nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhiều thách thức lớn

TS. Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, trong 12 FTA mà Việt Nam đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán thì TPP và FTA Việt Nam - EU là 2 FTA thế hệ mới có nội dung quy định về môi trường sẽ tác động mạnh mẽ tới thể chế của các bên liên quan. Tuy nhiên, việc thực thi, giám sát hiệu quả thực thi các cam kết, nghĩa vụ về môi trường được quy định trong các FTA còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề về môi trường trong các FTA là rất cấp thiết hiện nay.

Theo TS. Mai Thanh Dung, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang có chiều hướng gia tăng phức tạp, tinh vi. Thế nhưng hệ thống chính sách pháp luật vẫn chưa hoàn thiện kịp thời cũng như nguồn lực còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, hàng năm có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm (mới chỉ có 212 khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 15%); 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường.

Trong Dự thảo Đề án giải quyết những vấn đề về môi trường trong các FTA mà Bộ TN&MT đưa ra tham vấn tại TP.HCM mới đây (dự kiến trình Chính phủ xem xét và ban hành vào tháng 11/2016) có lưu ý, các cam kết, nghĩa vụ về môi trường trong các FTA thế hệ mới, đặc biệt là TPP, sẽ thúc đẩy năng lực thực thi hiệu quả pháp luật, công khai minh bạch bảo vệ môi trường. Nhưng đó cũng là áp lực lớn cho Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. 

Cần loại bỏ các dự án gây ô nhiễm

80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5 - 6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu. Vì vậy, Việt Nam có nguy cơ trở thành quốc gia nhập khẩu các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường
Góp ý về đề án này, giới chuyên gia cho rằng, TPP sẽ có tác động lớn đến việc thay đổi dòng vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hoá. Các dự án chủ yếu hiện nay đầu tư vào Việt Nam là các dự án đầu tư nông nghiệp và các dự án sản xuất công nghiệp ở mức trung bình thấp như nội thất, da giày và dệt may. Đây là các ngành sản xuất có tác động rất lớn đến môi trường. Vì vậy, yêu cầu đối với Việt Nam là cần có những rà soát, loại bỏ các dự án không hiệu quả, có nguy cơ gây tác động lớn đến môi trường.

Thực tế, với việc mở rộng xuất nhập khẩu thông qua các FTA, gia tăng ô nhiễm môi trường xuyên quốc gia là một nguy cơ có thực. Xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI đã từng được nhiều chuyên gia cảnh báo, theo đó, Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu ô nhiễm cao bởi các tiêu chuẩn về môi trường còn thấp.

Trong Đề án của Bộ TN&MT có cảnh báo, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ đối với hầu hết các hàng hoá xuất nhập khẩu, dòng vốn FDI đang có xu hướng gia tăng. Thế nhưng một kết quả khảo sát hồi năm 2015 cho thấy, 80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5 - 6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu. Vì vậy, Việt Nam có nguy cơ trở thành quốc gia nhập khẩu các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Viện Khoa học môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) khuyến nghị, nên có điều chỉnh tái cơ cấu đầu tư cho bảo vệ môi trường trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và cần xây dựng Đề án tăng dần tỷ lệ chi cho sự nghiệp môi trường, phấn đấu đạt 2% ngân sách nhà nước vào năm 2020.

Chuyên đề