Nhận dạng rủi ro khi đầu tư năng lượng tái tạo

(BĐT) - Thành công của các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) không chỉ cung cấp năng lượng sạch cho hệ thống điện Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, nhà đầu tư dự án NLTT vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Các dự án năng lượng tái tạo thường có chi phí đầu tư cao, yêu cầu sử dụng đất lớn. Ảnh: Bùi Đức Thịnh
Các dự án năng lượng tái tạo thường có chi phí đầu tư cao, yêu cầu sử dụng đất lớn. Ảnh: Bùi Đức Thịnh

Nhận diện rủi ro

Với lợi thế về khí hậu nhiệt đới và có bờ biển trải dài, Việt Nam đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực NLTT. Tính đến hết cuối năm 2018, Việt Nam đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW; 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW… Dù vậy, trong một hội thảo quốc tế mới đây, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc phát triển nhanh các nguồn NLTT trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như: chi phí đầu tư cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời)...

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thừa nhận, các dự án điện NLTT mới mẻ và phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên cũng nhiều rủi ro. Vì thế, nhà đầu tư cần nhận dạng và quản lý rủi ro. Theo ông Duệ, các dự án đầu tư vào dự án năng lượng có thể đối diện với 5 loại rủi ro chính. Đó là vấn đề vốn đầu tư, hệ số chiết khấu tài chính, sản lượng điện bán ra hàng năm, giá bán điện, giá bán chứng chỉ giảm phát thải CO2.

Ông Nguyễn Minh Duệ nêu ví dụ: “Dự án Điện gió Kê Gà được đánh giá rất tiềm năng đang trong quá trình đàm phán có công suất lớn hơn 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD. Như vậy, suất đầu tư lên tới 3.500 USD/KW - gấp đôi nhiệt điện than. Nếu không tính toán kỹ thì nhà đầu tư có thể thất bại”.

Đối với rủi ro hệ số chiết khấu tài chính, theo ông Duệ, với các công trình điện NLTT, vốn vay thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư. Nguồn vốn vay, lãi suất vay sẽ làm tăng giá trị hệ số chiết khấu tài chính, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nên cần phải xem xét.

Bên cạnh đó, những biến đổi khó lường của tốc độ gió, độ chiếu sáng hàng năm sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về sản lượng điện phát ra của dự án. Mặt khác, có những thời điểm khả năng phát của nhà máy tốt nhưng nhu cầu của phía mua lại thấp thì sản lượng bán ra của nhà máy cũng thấp, do đó mà doanh thu của nhà đầu tư có nguy cơ bị giảm… 

Cần minh bạch hóa thị trường điện

Với những rủi ro được chỉ ra, chuyên gia của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư dự án NLTT hoàn toàn có thể kiểm soát nếu nhận dạng đúng. Theo ông Nguyễn Minh Duệ, hiệu quả đầu tư của bất kỳ dự án nào cũng cần xem xét bằng các chỉ tiêu định tính và định lượng. Trước khi đầu tư, cần phân tích và đánh giá toàn bộ dự án trên các khía cạnh: kỹ thuật, tài chính, kinh tế - xã hội và môi trường.

“Phân tích kinh tế - kỹ thuật là cơ sở đầu tiên nhằm lựa chọn phương án tối ưu về kỹ thuật dựa trên quan điểm kinh tế. Còn phân tích kỹ thuật là tiền đề cho việc tiến hành phân tích kinh tế, tài chính của dự án. Nếu không có số liệu kinh tế - kỹ thuật thì không thể tiến hành phân tích kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường”, ông Duệ nhấn mạnh.

Góp ý đối với vấn đề này, tư vấn quốc tế cho rằng, Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng để thực hiện và phát triển thị trường NLTT nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề ở đây là áp dụng chúng như thế nào. Các nhà phát triển và nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi sự ổn định và niềm tin từ phía Chính phủ. Do đó, Việt Nam cần tăng cường minh bạch hóa thị trường điện; thực hiện kịp thời chế độ giá điện FIT; ổn định vĩ mô…

Chuyên đề