Nhà đầu tư mong có bảo lãnh doanh thu dự án PPP

(BĐT) - Nhiều trạm BOT hụt thu vì những lý do ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư, vì những thay đổi chính sách hoặc do những cam kết trong hợp đồng không được tuân thủ… 
Nhiều nhà đầu tư dự án BOT phải đối mặt với những rủi ro phát sinh ngoài tầm kiểm soát của họ. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nhà đầu tư dự án BOT phải đối mặt với những rủi ro phát sinh ngoài tầm kiểm soát của họ. Ảnh: Lê Tiên

Theo nhiều ý kiến, bảo lãnh doanh thu để cân bằng rủi ro sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm vào cam kết của cơ quan nhà nước, môi trường đầu tư và có thể giảm chi phí dự án.

Mối lo hụt thu do nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát

Trong cơ chế thị trường, nhà đầu tư phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu khi đã ký hợp đồng BOT. Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, thực tế có những rủi ro phát sinh ngoài tầm kiểm soát của họ. Ví dụ như dù hợp đồng BOT có điều khoản tăng phí theo lộ trình 3 năm, được tính toán vào phương án tài chính, tuy nhiên thực tế những năm qua họ không những không được tăng, mà còn phải miễn, giảm phí. Hay trường hợp dự án BOT xây dựng cầu đã hoàn thành, đi vào thu phí nhưng bị nhà đầu tư dự án BT xây đường kết nối bịt đường dẫn đến cầu, phương tiện giao thông không lưu thông qua cầu được…

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong số 57 dự án BOT do cơ quan này quản lý, có 26 dự án doanh thu năm 2018 giảm so với phương án tài chính, có những dự án chỉ đạt dưới 50%. Tình trạng này khiến nhà đầu tư BOT có nguy cơ bị phá vỡ phương án tài chính và có thể dẫn đến nợ xấu gia tăng cho các ngân hàng tài trợ vốn cho các dự án.

Những con số này dù đang được cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, chắc chắn vẫn gây tâm lý bất an đối với nhà đầu tư dự định tham gia vào các dự án PPP tại Việt Nam. Nhà đầu tư trong nước am hiểu chính sách, pháp luật, môi trường đầu tư còn khó lường được nguy cơ, thì mối lo này với nhà đầu tư nước ngoài là rõ ràng.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, việc thiếu hụt chính sách đối với cơ chế bảo lãnh của Chính phủ trong các dự án PPP, trong đó có bảo lãnh doanh thu tối thiểu, là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số dự án giao thông có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài bị trì hoãn. 

Đề xuất luật hóa quy định bảo lãnh doanh thu tối thiểu

Cuối năm 2018, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu cơ chế bảo lãnh chính phủ thí điểm đối với các dự án giao thông trọng điểm. Theo đó, Bộ Tài chính khẳng định tính cần thiết của cơ chế này, tuy nhiên vì chưa có cơ sở pháp lý nên không thể triển khai áp dụng. Tại văn bản này, Bộ Tài chính kiến nghị luật hóa nội dung này trong Luật PPP; đồng thời sửa đổi các luật gồm Luật Đầu tư công; Luật Quản lý nợ công; Luật Ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ở một số quốc gia, hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu được thực hiện trong giai đoạn đầu phát triển thị trường PPP nhằm gia tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bảo lãnh doanh thu tối thiểu cũng có những mặt hạn chế. Ví dụ, không tạo động lực tối đa hóa doanh thu của nhà đầu tư, gia tăng gánh nặng ngân sách nhà nước. Việc xác định tổng mức đầu tư không chính xác (quá cao) dẫn đến yêu cầu về doanh thu cần đạt được ở mức tương ứng, từ đó đề xuất Chính phủ thực hiện bảo lãnh doanh thu mà không căn cứ trên số liệu chính xác.

Để xây dựng Dự thảo Luật PPP, Bộ KH&ĐT đã lấy ý kiến đối với tính cần thiết của cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án PPP. Theo đó, trường hợp áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu, thì quy định chặt chẽ đối tượng được bảo lãnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định căn cứ vào tính chất và yêu cầu thực hiện dự án. Nguyên tắc áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu theo hướng chia sẻ hài hòa: trong 5 năm đầu vận hành công trình dự án, Nhà nước bảo lãnh doanh thu tối thiểu đảm bảo tới 75% doanh thu được dự kiến trong hợp đồng dự án và 65% trong 5 năm kế tiếp. Trường hợp ngược lại, khoản doanh thu vượt quá 125% trong 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động và 135% trong 5 năm kế tiếp sẽ được thanh toán cho phía Nhà nước.

Cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu theo nhiều ý kiến là khá phù hợp, vừa cân bằng rủi ro, vừa đảm bảo sự yên tâm cho nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn. Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ PPP thuộc Bộ GTVT - nhận định, không bảo lãnh doanh thu tối thiểu sẽ không thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - thậm chí cho rằng, mức 75% như Bộ KH&ĐT lấy ý kiến còn thấp, nên nâng lên 80 - 85%. Bởi vì các dự án được bảo lãnh không áp dụng tràn lan, mà do Thủ tướng Chính phủ quyết định và ở tầm dự án như vậy chắc chắn là dự án lớn, lợi ích xã hội nhiều hơn lợi ích kinh tế, có tác động lan tỏa. 

Ông Lê Thanh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền - chia sẻ, một số nước có quỹ bảo lãnh doanh thu. Quỹ này nhằm mục đích điều tiết giữa dự án hiệu quả trên mức lợi nhuận bình thường, hỗ trợ cho dự án có mức hụt thu. Trường hợp dự án vượt doanh thu 125% sẽ chuyển về quỹ, sau đó thanh toán cho trường hợp dự án doanh thu thấp hơn doanh thu dự kiến.

Chuyên đề