Nhà đầu tư lao đao vì chính sách bất nhất

(BĐT) - UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy nước thứ 2 tại Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn. Nhà đầu tư dự án nhà máy nước đầu tiên tại KKT này đã lên tiếng cho rằng việc đầu tư thêm nhà máy nước mới đã không tuân thủ các cam kết của Tỉnh với nhà đầu tư, có thể đẩy nhà đầu tư vào tình cảnh lao đao vì một chủ trương.
Nhà máy Nước Bình Minh đã đầu tư từ năm 2007 đang cấp nước cho khu vực. Ảnh: Nguyễn Văn
Nhà máy Nước Bình Minh đã đầu tư từ năm 2007 đang cấp nước cho khu vực. Ảnh: Nguyễn Văn

Gặp khó vì thiếu nguồn cấp nước thô

Nhà máy Cấp nước sạch cho KKT Nghi Sơn (còn gọi là Nhà máy nước Bình Minh) - nhà máy nước quy mô lớn đầu tiên đầu tư tại KKT Nghi Sơn do Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (gọi tắt là Công ty Bình Minh) là nhà đầu tư. Theo ông Tào Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Bình Minh, Dự án được UBND Tỉnh chấp thuận đầu tư và Ban quản lý KKT Nghi Sơn cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 17/5/2007. Tổng công suất của Nhà máy là 90.000 m3/ngày đêm, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2007 đến 2015 với công suất 30.000 m3/ngày đêm; giai đoạn 2 từ 2015 đến 2025 với công suất 60.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 762,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giai đoạn 1 được khởi công tháng 9/2007, hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2011.

Ngày 28/2/2013, Công ty Bình Minh đã ký hợp đồng cung cấp nước cho Nhà máy Lọc hóa dầu (LHD) Nghi Sơn với công suất 30.000 m3/ngày đêm. Ông Tào Quốc Tuấn cho biết, theo yêu cầu của Dự án Nhà máy LHD Nghi Sơn, từ tháng 10/2016, Nhà máy nước Bình Minh bắt đầu cung cấp nước cho giai đoạn chạy thử công nghệ và sản xuất thương mại. Do vậy, ngay từ đầu năm 2016, Công ty đã khẩn trương đầu tư giai đoạn 2 của Nhà máy nước Bình Minh, nâng công suất lên 90.000 m3/ngày đêm. Dự kiến, đến ngày 30/8/2016 sẽ hoàn thành Tổ hợp lọc nước số 1 và đến ngày 30/10/2016 hoàn thành Tổ hợp lọc nước số 2.

Theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty Bình Minh phải mua nước thô (nước nguyên liệu) của Công ty TNHH MTV Sông Chu (gọi tắt là Công ty Sông Chu) tại hồ Đồng Chùa. Tuy nhiên, đến nay dự án cấp nước thô giai đoạn 1 từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa của Công ty Sông Chu mới chỉ đạt xấp xỉ 30.000 m3/ngày đêm. Theo kế hoạch, để có đủ nước thô cung cấp cho nhà máy nước của Công ty Bình Minh và cung cấp nước sạch cho Nhà máy LHD, tỉnh Thanh Hóa phải xây dựng đường ống nước thô 90.000 m3/ngày đêm đưa nước về hồ Đồng Chùa, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xây dựng được và Nhà máy nước Bình Minh đang gặp khó vì nguồn nước thô không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Từ đó có thể ảnh hưởng đến hợp đồng đã ký với Nhà máy LHD. 

Chính sách đầu tư thiếu nhất quán?

Việc UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt dự án mới là đi ngược lại quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư 2014 là Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư. 
Để giải quyết vấn đề cấp nước thô cho Nhà máy nước Bình Minh, ông Tào Quốc Tuấn cho biết, Công ty Bình Minh đề nghị được đầu tư đường ống nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa theo hình thức BT hoặc hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác nhưng không được chấp thuận.

Theo lời kể của ông Tuấn: “Trong 2 ngày 18/5 và 20/5/2016, UBND Tỉnh đã tổ chức 2 cuộc họp bàn phương án cấp nước thô về hồ Đồng Chùa. Tại cuộc họp ngày 20/5, lãnh đạo Tỉnh chỉ đạo xây dựng đường ống dẫn nước thô từ hồ Yên Mỹ qua hệ thống kênh mương về hồ Quế Sơn. Chúng tôi cứ nghĩ rằng, từ hồ Quế Sơn sẽ xây dựng đường ống cấp nước thô về hồ Đồng Chùa phục vụ cho Nhà máy nước của Công ty Bình Minh sản xuất nước sạch cung cấp cho Nhà máy LHD”.

Thế nhưng, sau đó công ty này mới “té ngửa” khi ngày 24/5/2016, UBND Tỉnh có buổi làm việc nghe Tổng công ty CP Đầu tư và Thương mại Anh Phát – CTCP báo cáo Dự án Đầu tư nhà máy nước sạch tại khu vực hồ Quế Sơn sử dụng trực tiếp nguồn nước thô từ hồ Yên Mỹ đưa về. Và đến ngày 10/6, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống cấp nước KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chấp thuận Tổng công ty CP Đầu tư và Thương mại Anh Phát – CTCP liên danh với Công ty TNHH MTV Sông Chu đầu tư thêm nhà máy nước mới tại KKT Nghi Sơn.

Trước Quyết định này của UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty Bình Minh sau đó đã liên tục có các văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phản đối chủ trương đầu tư dự án mới này.

Theo ông Tào Quốc Tuấn, việc đầu tư một nhà máy nước khác trong khu vực và đường ống nước thô về hồ Quế Sơn mà không đưa về hồ Đồng Chùa sẽ gây ra nguy cơ Nhà máy LHD Nghi Sơn không được cung cấp đủ nước do Nhà máy nước Bình Minh không có đủ nước thô để sản xuất, còn nhà máy mới chưa đầu tư xong. Hiện nay, nhà máy nước của Công ty Bình Minh đang rất cần nước thô để sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu của Nhà máy LHD và KKT Nghi Sơn nhưng Dự án Hệ thống cấp nước thô của nhà đầu tư mới lại không dẫn nước về hồ Đồng Chùa để đáp ứng yêu cầu sản xuất của Nhà máy nước Bình Minh như cam kết của tỉnh Thanh Hóa với Công ty Bình Minh, mà lại đưa về hồ Quế Sơn để phục vụ xây dựng một nhà máy nước khác.

Nói về cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Tào Quốc Tuấn cho biết, trong Thông báo số 3982/TB-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa tháng 9/2006, UBND Tỉnh đã khẳng định: Dự án cấp nước cho KKT Nghi Sơn gồm 2 hợp phần: Hợp phần dẫn nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa và hợp phần xây dựng, sản xuất kinh doanh nước sạch; trong đó, hợp phần xây dựng sản xuất kinh doanh nước sạch giao cho Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT; hợp phần dẫn nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa do ngân sách tỉnh đầu tư.

Như vậy, việc dẫn nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa để cung cấp cho Nhà máy nước Bình Minh là một hợp phần của Dự án mà Tỉnh đã khẳng định sẽ thực hiện. Thiết nghĩ, nếu không có cam kết cung cấp nước thô thì Công ty Bình Minh chắc hẳn đã không dám liều lĩnh đầu tư một dự án hàng trăm tỷ đồng tại đây.

Theo Công ty Bình Minh, việc UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt dự án mới là đi ngược lại quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư 2014 là Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư. Quyết định này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, thể hiện chỉ đạo đầu tư của Tỉnh không nhất quán.

Chuyên đề