Nguy cơ sa bẫy thu nhập trung bình

(BĐT) - Cảnh báo về nguy cơ tụt lùi của nền kinh tế Việt Nam, Giáo sư Kinh tế học Trần Văn Thọ, thuộc Đại học Waseda (Tokyo - Nhật Bản) cho rằng, nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển rõ ràng và đột phá thì sẽ phải đối diện với nguy cơ sa vào bẫy thu nhập trung bình thấp không xa.
Việt Nam có cơ hội tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn dân số vàng. Ảnh: Tiên Giang
Việt Nam có cơ hội tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn dân số vàng. Ảnh: Tiên Giang

Lỡ cơ hội tăng trưởng bứt phá?

Trong cuốn sách “Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam” vừa ra mắt mới đây, đánh giá về vị trí xếp hạng của Việt Nam hiện nay trên bản đồ kinh tế thế giới, GS. Trần Văn Thọ nhận định, các chỉ số thể hiện vị trí xếp hạng này không lấy gì làm khả quan. “Về dân số, Việt Nam đứng thứ 14. Năm 2014, GDP đầu người của Việt Nam là 2.052 USD, xếp thứ 131 trong gần 200 quốc gia lớn nhỏ trên thế giới. Với lượng dân số khá đông đúc nên vị trí xếp hạng của GDP nếu tính trong năm 2014 là năm đạt mức cao với 186 tỷ USD thì cũng chỉ ở hạng 53”, GS. Thọ dẫn chứng và cho rằng, với quy mô GDP như vậy thì không thể có một ảnh hưởng nhất định đến kinh tế thế giới. Thậm chí trong khu vực Đông Á hiện nay, GDP tính theo đầu người của Việt Nam cũng chỉ cao hơn 3 nước gần cuối Đông Nam Á là Campuchia, Lào và Myanmar.

Cũng theo nghiên cứu và tính toán của GS. Thọ, từ năm 1993, Việt Nam hội đủ các điều kiện quốc tế thuận lợi. Từ thời điểm này, nếu quyết tâm cải cách thể chế để củng cố nội lực và tận dụng ngoại lực thì có thể phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm trong vòng suốt 20 năm và sau đó có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao, chuẩn bị cho giai đoạn trở thành nước công nghiệp phát triển trong tương lai không xa. Đặc biệt, trong giai đoạn này, nếu phát triển được với tốc độ đó thì Việt Nam đã sớm chấm dứt được tình trạng phải xuất khẩu lao động, một hoạt động không đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế đất nước nhưng lại làm ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước Việt Nam trên vũ đài thế giới.

Nhận định về vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam hiện nay, trong cuốn sách với nhiều tâm huyết nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, GS. Thọ nhấn mạnh, Việt Nam đã bỏ lỡ mất phần lớn cơ hội tăng trưởng bứt phá và công nghiệp hóa để nâng mức thu nhập trung bình trong giai đoạn dân số vàng từ năm 1970 - 2020 hoặc lâu nhất thì cũng chỉ tới năm 2025.

Đáng chú ý, GS. Thọ cho rằng, nhờ có cải cách đổi mới từ năm 1986, Việt Nam đã thoát khỏi bẫy nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008, tuy nhiên, so với tiềm năng thì tốc độ phát triển của Việt Nam vừa không cao, vừa kém hiệu suất. “Trong thời đại dân số vàng, giai đoạn đầu, tỷ lệ đầu tư của Việt Nam thấp, song đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cao nhờ bắt đầu đổi mới; giai đoạn sau tỷ lệ đầu tư đã cao lên nhưng lại không hiệu suất do đóng góp của TFP thấp. TFP ngày càng giảm đi thể hiện năng suất tổng hợp của nền kinh tế ngày càng đi xuống. Diễn biến của ICOR cũng cho thấy khuynh hướng này. Điều này cho thấy, năng suất của nền kinh tế đang ngày càng giảm đi”, GS. Thọ phân tích. 

Hệ lụy từ nguy cơ lão hóa dân số

Cũng theo nghiên cứu, nền kinh tế Việt Nam dù đã có giai đoạn tăng trưởng khá cao và đã bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp, song hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém tồn tại như nền công nghiệp cạnh tranh yếu và ngày càng bị phụ thuộc vào FDI và nền kinh tế Trung Quốc. Do đó, theo cảnh báo của GS. Thọ: “Cú sốc thời gian đối với Việt Nam sẽ rất mạnh với nhiều hệ lụy lớn, trong đó nguy cơ lớn nhất là giai đoạn dân số vàng sắp qua đi, giai đoạn lão hóa dân số đang đến gần kề mà thu nhập đầu người còn rất thấp, dẫn tới thách thức rất lớn mà Việt Nam sẽ rất có thể phải đối mặt là chưa giàu mà đã già”, GS. Thọ nhấn mạnh. Hệ lụy của nguy cơ này, theo đánh giá của GS. Thọ là khá trầm trọng, bởi nếu bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn dân số vàng để tăng thu nhập đầu người của người dân và đưa đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi theo hướng lão hóa thì nền kinh tế khó còn động lực để tăng trưởng bứt phá.

Đi cùng với hệ lụy này, GS. Thọ cũng khuyến cáo nguy cơ sa bẫy thu nhập trung bình thấp cũng là một khả năng rất cao có thể xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam nếu như không có những bước phát triển đột phá để thoát khỏi xu thế này. Theo phân tích của GS. Thọ tại Cuốn sách, nhìn từ tỷ lệ công nghiệp trong GDP và trong lao động có việc làm, công nghiệp hóa tại Việt Nam tiến triển chậm, năng suất lao động trong công nghiệp rất thấp, lợi thế so sánh vẫn là các ngành có hàm lượng lao động kỹ năng thấp. Trong khi đó, một xu hướng đáng lo ngại là Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển dịch quá sớm sang thời đại hậu công nghiệp và tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ mới lớn hơn là bẫy thương mại tự do tạo ra bởi trào lưu mậu dịch tự do sau khi triển khai thực thi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Để có thể tránh được những nguy cơ này, GS. Thọ khuyến nghị, cần đẩy mạnh cải cách thể chế để bảo đảm cho các nguồn lực như vốn, đất đai, lao động, các nguồn lực được phân bổ hiệu quả, và đây là điều kiện để tăng tốc phát triển nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình thấp.

Chuyên đề