Nguồn lực phải được rót vào nơi hiệu quả nhất

(BĐT) - Theo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được đưa ra tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự kiến nguồn lực cho việc tái cơ cấu nền kinh tế sẽ lên đến hơn 10 triệu tỷ đồng, tức khoảng 480 tỷ USD. 
Dự tính tổng GDP theo giá thực tế giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 30 triệu tỷ đồng, 1/3 số tiền này dành cho đầu tư. Ảnh: Hùng Sơn
Dự tính tổng GDP theo giá thực tế giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 30 triệu tỷ đồng, 1/3 số tiền này dành cho đầu tư. Ảnh: Hùng Sơn

Khi nguồn lực được sử dụng hiệu quả, chắc chắn tăng trưởng kinh tế giai đoạn này có thể tăng lên mức 7,5%/năm, cao hơn mức 6,5% như dự kiến. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã lý giải rõ hơn về những nội dung này.

Thưa ông, vừa qua dư luận chưa hiểu về số tiền hơn 10 triệu tỷ đồng dự kiến cho việc tái cơ cấu kinh tế. Là một trong những người xây dựng Đề án, ông có thể thông tin cụ thể hơn về con số này?

Có thể nhiều người chưa hiểu chính xác về con số hơn 10 triệu tỷ đồng được đưa ra trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đây là số tiền dự kiến cần để thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được tính toán dựa trên tổng đầu tư xã hội có thể huy động được.

Cụ thể, con số hơn 10 triệu tỷ đồng đưa ra dựa trên dự tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng từ 32 - 34% GDP, lạm phát khoảng 4%, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm. Với những thông số như vậy, dự tính tổng GDP theo giá thực tế giai đoạn này là hơn 30 triệu tỷ đồng, trong đó 1/3 số tiền này được đưa vào đầu tư trong nền kinh tế (tức là khoảng 10 triệu tỷ đồng).

Nguồn lực phải được rót vào nơi hiệu quả nhất ảnh 1
Ông Nguyễn Đình Cung
Như vậy, bản chất không phải là nguồn vốn mới, thưa ông?

Tôi nhấn mạnh là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sử dụng nguồn lực hiện có, từ đó kích thích dòng chảy cho nguồn vốn mới, tạo động lực cho tăng trưởng. Hay nói cho dễ hiểu là phân bổ lại nguồn lực bằng cơ chế thị trường. Nguồn lực có hạn của Nhà nước phải được đầu tư vào nơi tốt nhất, có hiệu quả nhất. Các thị trường như vốn, lao động, đất đai phải vận hành theo cơ chế thị trường. Trong đó, thị trường đất đai phải chuyển đổi được thành vốn; thị trường sản phẩm và dịch vụ phải là thị trường cạnh tranh, chứ không phải là những thị trường méo mó, sai lệch như hiện nay. 

Kết luận tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng. Vậy cần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nào để nâng cao chất lượng tăng trưởng, thưa ông?

Lâu nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, lao động và khai thác tài nguyên, mà không chú ý đến những vấn đề dài hạn, từ đó trong điều hành vẫn sử dụng công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng (tăng đầu tư, tăng tín dụng). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay dư địa tăng trưởng theo cách này không còn và nếu tiếp tục tăng trưởng theo hướng này thì giá phải trả cho một đơn vị tăng trưởng rất lớn. Tăng đầu tư là tăng dễ nhất, còn tăng chi ngân sách khi thu ngân sách ít đi thì phải đi vay dẫn đến bội chi ngân sách, tăng nợ công. Dường như trong cách điều hành kinh tế vĩ mô, chúng ta đang quên đi mục tiêu cải cách là để tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Do đó, Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đang được Quốc hội xem xét đã nhấn mạnh quan điểm chúng ta phải thay đổi mô hình tăng tưởng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động. Nhà nước nhỏ đi nhưng thông minh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, còn thị trường thì lớn lên và cạnh tranh hơn.

Những thay đổi này cực kỳ khó khăn, không chỉ nằm trong tư duy, mà chính là quyết tâm của cả bộ máy. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về tái cơ cấu nền kinh tế để thay đổi cách thức điều hành, nếu không, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng giảm và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô có thể xảy ra. 

Vậy khi hơn 10 triệu tỷ đồng được rót đúng chỗ, nền kinh tế sẽ ra sao?

Khi nguồn lực triển khai theo hướng này, Nhà nước không thể điều hành theo kiểu sử dụng công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng. Cải cách kinh tế phải theo thị trường, ở đâu chưa có thị trường thì chúng ta xây dựng thị trường, chỗ nào thị trường chưa cạnh tranh thì chúng ta làm cho thị trường cạnh tranh. Nguồn lực được phân bổ và sử dụng hợp lý hơn, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động nhằm tăng sự đóng góp của các yếu tố này vào tăng trưởng GDP. Và trong thị trường này, sẽ không có chuyện cạnh tranh thiếu công bằng, không bình đẳng; nạn buôn lậu, hàng nhái, hàng giả... sẽ chấm dứt.  

Chuyên đề