Nghiên cứu thành công vật liệu mới thay thế cát tự nhiên

(BĐT) - Sở Xây dựng Thanh Hóa đã nghiên cứu thành công việc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên. Loại vật liệu mới này được kỳ vọng sẽ bổ sung cho nguồn cát làm vật liệu xây dựng (VLXD), góp phần giảm thiểu vấn nạn “cát tặc”. 
Sản phẩm cát nghiền được sản xuất tại Thanh Hóa đạt yêu cầu cho sản xuất bê tông, vữa trát, giá cả tương đối cạnh tranh
Sản phẩm cát nghiền được sản xuất tại Thanh Hóa đạt yêu cầu cho sản xuất bê tông, vữa trát, giá cả tương đối cạnh tranh

Tìm hiểu quá trình nghiên cứu, ứng dụng và những ưu điểm nổi trội của cát nghiền, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Tam, Trưởng phòng Quản lý VLXD thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa - người quản lý Đề tài nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông có thể chia sẻ với độc giả về quá trình nghiên cứu vật liệu cát nghiền?

Do cát tự nhiên không thể tái tạo, ngày càng khan hiếm và có nguy cơ cạn kiệt, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã tham mưu cho Chủ tịch UBND Tỉnh ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cát, sỏi trong xây dựng. Đây cũng là động lực để chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu cát nghiền. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và ứng dụng loại vật liệu này trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất là về lựa chọn công nghệ sản xuất. Tại thời điểm bắt đầu thực hiện nghiên cứu (tháng 4/2018), trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2 đơn vị đang sản xuất cát nghiền nhưng chỉ có 1 đơn vị là Công ty TNHH Thương mại Phú Sơn tại xã Nga An, huyện Nga Sơn có thiết bị lọc rửa sản phẩm cát sau khi nghiền. Vì vậy, Sở Xây dựng Thanh Hóa chỉ tập trung được một đầu mối để sản xuất thử nghiệm nên mất nhiều thời gian.

Khó khăn thứ 2 là về lựa chọn vùng nguyên liệu để sản xuất thử nghiệm. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác đá làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì cả tỉnh có 168 mỏ đá làm VLXD được quy hoạch, nằm rải rác trên địa bàn 23 huyện, thị xã, thành phố. Vì vậy, việc lựa chọn các mỏ phù hợp để nghiên cứu là rất khó khăn.

Khó khăn thứ 3 là việc tìm kiếm các số liệu tham khảo, đối chiếu. Do cát nghiền là loại sản phẩm mới ở Việt Nam, tại một số địa phương trên toàn quốc cũng đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm nên các dữ liệu tham khảo về loại vật liệu này rất ít. 

Khi được đưa vào sử dụng thay thế cát tự nhiên trong xây dựng, chất lượng và giá cát nghiền như thế nào, thưa ông?

Tại xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, giá cát nghiền và cát tự nhiên là tương đương nhau, khoảng 200.000 đồng/m3. Ở huyện Nga Sơn, khi xây dựng các công trình, doanh nghiệp/người dân phải vận chuyển cát tự nhiên từ huyện Vĩnh Lộc, huyện Cẩm Thủy về, khoảng cách địa lý khá xa nên giá cát tự nhiên cao. Vì vậy, đối với các khu vực không có mỏ cát tự nhiên thì việc sử dụng cát nghiền là rất phù hợp.

Trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, chúng tôi đã so sánh, tìm hiểu về công nghệ, thiết bị sản xuất cát nghiền trên thế giới và trong nước để lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp. Với công nghệ, thiết bị chế tạo trong nước, cát nghiền có giá thành không quá cao và vẫn đảm bảo chất lượng.

Theo ông, có thể nhân rộng việc sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên trên phạm vi cả nước được không?

Đối với những địa phương có sẵn nguồn nguyên liệu đá vôi, đá cát kết, đá thải từ các mỏ than, mỏ quặng thì việc đầu tư sản xuất cát nghiền là rất phù hợp. Đặc biệt, đối với những địa phương khan hiếm cát tự nhiên làm VLXD, phải vận chuyển cát tự nhiên ở các địa phương khác về làm VLXD, giá cát tự nhiên cao thì giải pháp sử dụng cát nghiền là rất phù hợp.

Tôi cho rằng, việc nhân rộng sản xuất cát nghiền từ đá thay thế cát tự nhiên cho công trình xây dựng trên phạm vi cả nước là rất khả quan. Hơn nữa, trong khi cát tự nhiên không thể tái tạo, nếu khai thác nhiều sẽ gây sạt lở đất, biến đổi dòng chảy các sông, ảnh hưởng đê điều, tác động xấu đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, các địa phương trong cả nước nên khuyến khích các nhà thầu, chủ đầu tư sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong thi công công trình. 

Việc dùng cát nghiền thay thế cát tự nhiên đã được thế giới ứng dụng chưa, hiệu quả ra sao, thưa ông?

Trên thế giới, cát nghiền đã được nghiên cứu, sản xuất và sử dụng từ rất lâu, đặc biệt là tại các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Italia, Mỹ, Trung Quốc… Với các nước thiếu nguồn cát tự nhiên phải sử dụng cát nghiền như Bồ Đào Nha, Ireland, Colombia, Venezuela... hầu hết các dây chuyền sản xuất đá dăm xây dựng của họ đều sản xuất thêm cả cát nghiền.

Tại Nhật Bản, cát nghiền đã được nghiên cứu và đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng để thay thế cho cát tự nhiên từ cách đây hơn 40 năm. Cho đến nay, hầu hết các công trình xây dựng tại nước này đều sử dụng cát nghiền.

Chuyên đề