Ngành điện khát vốn

(BĐT) - Một thách thức lớn đặt ra đối với ngành điện trong thời gian tới là vấn đề vốn đầu tư khi dự báo nhu cầu điện sẽ tăng rất mạnh. Tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2030 tổng vốn đầu tư cho ngành điện lên tới 148 tỷ USD (chưa kể các dự án BOT). 
Giai đoạn 2016 - 2020 cần lượng vốn khoảng 40 tỷ USD cho xây dựng nguồn điện và lưới điện. Ảnh: Tường Lâm
Giai đoạn 2016 - 2020 cần lượng vốn khoảng 40 tỷ USD cho xây dựng nguồn điện và lưới điện. Ảnh: Tường Lâm

Trong khi đó, ngân sách ngày càng hạn hẹp còn giá điện lại chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Nhu cầu vốn đầu tư hàng trăm tỷ USD

Dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện (không tính các dự án nguồn điện BOT) trong giai đoạn này là rất lớn. Tính toán sơ bộ của tư vấn cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 40 tỷ USD, trung bình khoảng 7,9 tỷ USD/năm, trong đó 75% cho xây dựng nguồn điện, 25% cho xây dựng lưới điện. Giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 108 tỷ USD, trung bình hơn 10 tỷ USD/năm, trong đó khoảng 74% cho xây dựng nguồn điện, 26% cho lưới điện.

Với số vốn đầu tư dự kiến như trên, chia sẻ với Báo Đấu thầu bên lề Diễn đàn năng lượng Việt Nam với chủ đề: “Hiện tại và tương lai”, ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đây là một thách thức rất lớn đối với phát triển nguồn cung năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng của nước ta.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay EVN gặp không ít khó khăn trong việc thu xếp vốn cho các dự án nguồn và lưới điện. Trong khi đó, bảo lãnh vay vốn nước ngoài của Chính phủ cho đầu tư các công trình điện đang được hạn chế theo chủ trương chung là tự vay - tự trả. Dư nợ vốn vay của EVN và các đơn vị tại các tổ chức tín dụng trong nước tương đối lớn.

Chia sẻ về khó khăn trong việc thu xếp vốn triển khai dự án điện, ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang bày tỏ, với các chính sách hiện hành, các ngân hàng trong nước cũng chỉ cho vay trong giới hạn nhất định. Muốn huy động được vốn thì doanh nghiệp (DN) cũng phải xoay tới hàng chục ngân hàng. Thậm chí, nhiều DN đầu tư các dự án điện phải đi vay thương mại quốc tế.

Chưa hấp dẫn vì giá điện

Để giải quyết bài toán về vốn đầu tư các dự án điện, cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách tạo điều kiện cho các ngân hàng trong nước nới rộng biên độ cho vay một cách hấp dẫn hơn.
Đề cập về câu chuyện giá bán điện, nhiều ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, đây là một rào cản lớn đối với việc huy động nguồn vốn đầu tư cho ngành điện. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta chưa thể đưa giá điện cạnh tranh? Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường hàng chục năm nhưng tại sao chúng ta phải duy trì giá điện phi thị trường?”. Ông Thiên cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận. “Việt Nam không thể cạnh tranh với chi phí năng lượng quá cao. Nền kinh tế Việt Nam không thể vươn lên đẳng cấp cao với cách tiếp cận năng lượng như vậy”, ông Thiên nhấn mạnh.

Tán thành quan điểm này, ông Nguyễn Tài Anh cho rằng, giá điện của Việt Nam chưa đủ khuyến khích nhà đầu tư vào ngành điện. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về chính sách pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng, thì chính sách về giá điện cũng cần được điều chỉnh để thu hút nhà đầu tư vào ngành điện.

Theo ông Ngô Đông Hải, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc đầu tư phát triển năng lượng không chỉ đến từ một nguồn ngân sách quốc gia. Để huy động được nguồn vốn đầu tư cho ngành điện, chúng ta phải có chiến lược phát triển một cách rõ ràng, phù hợp làm cơ sở để thu hút nguồn lực cho phát triển.

Cũng theo ông Hải, Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường một cách đồng bộ, đầy đủ, bao gồm thị trường năng lượng và khi đó giá điện phải do thị trường quyết định. Tuy nhiên, ông Hải nhấn mạnh: “Giá năng lượng là bài toán đòi hỏi nhiều cân nhắc. Trong đó, phân định rõ đâu là giá phục vụ công ích, đâu là giá phục vụ kinh doanh… Chỉ với một chiến lược rành mạch thì giá năng lượng nói chung, giá điện nói riêng mới theo kịp thị trường và mặt bằng chung của quốc tế, từ đó hấp dẫn nhà đầu tư”.

Để giải quyết bài toán về vốn đầu tư các dự án điện, ông Ngô Quốc Hội kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách tạo điều kiện cho các ngân hàng trong nước nới rộng biên độ cho vay một cách hấp dẫn hơn để DN có vốn triển khai đầu tư xây dựng các dự án mới.

Chuyên đề