Nâng hiệu quả từ khâu lựa chọn dự án

(BĐT) - Hiệu quả của một dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, dự án BOT nói riêng, phải được xem xét trên cả hai khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính, trong đó hiệu quả kinh tế - xã hội phải được đánh giá trước. 
Theo Bộ KH&ĐT, trong định hướng xây dựng Luật PPP, sẽ có nhiều chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Theo Bộ KH&ĐT, trong định hướng xây dựng Luật PPP, sẽ có nhiều chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Hài hòa được giữa hai hiệu quả đó, nghĩa là đảm bảo đồng thời mục tiêu công và mục tiêu thu lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, mới có thể tránh được những vấn đề đã gặp phải của nhiều dự án BOT.

Văn phòng Chính phủ ngày 30/1/2018 có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng các phương án giải quyết bất cập tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang.

Vấn đề của BOT Cai Lậy có lẽ sẽ chỉ được giải quyết ổn thỏa với một phương án hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân. Từ đó mới tránh tạo ra những tiền lệ không tốt cho thực hiện dự án BOT về sau và không làm mất niềm tin của nhà đầu tư khi rót vốn đầu tư dự án hạ tầng theo hình thức này.

Để không còn lặp lại những câu chuyện không vui như BOT Cai Lậy, việc triển khai dự án BOT trong thời gian tới cần thiết phải cẩn trọng trong đánh giá hiệu quả đầu tư, đạt được mục tiêu kết hợp tối ưu giữa lợi ích và chi phí trong việc cung cấp các dịch vụ tới người sử dụng. Bài toán ấy phải bắt đầu ngay từ bước lựa chọn dự án PPP.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong định hướng xây dựng Luật PPP, sẽ có nhiều chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP, trong đó dự kiến đưa những quy định khung nguyên tắc hoặc bộ tiêu chí chung để lựa chọn sơ bộ dự án.

Hiện nay, tiêu chí lựa chọn sơ bộ dự án PPP đang được quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 1/3/2016 của Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn việc lựa chọn dự án hoặc chỉ thiên về lợi ích nhà đầu tư mà chưa theo nhu cầu của xã hội, hoặc chỉ thiên về nhu cầu công mà chưa tính toán đầy đủ lợi nhuận hợp lý đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Bộ KH&ĐT cho rằng, trong Luật PPP cần quy định khung nguyên tắc hoặc bộ tiêu chí chung để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn có căn cứ lựa chọn sơ bộ các dự án có khả năng thực hiện theo mô hình PPP từ danh sách các dự án cần đầu tư của mình, từ đó tập trung nguồn lực và chi phí để chuẩn bị đầu tư dự án một cách bài bản, nghiêm túc.

Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một khung nguyên tắc hoặc bộ tiêu chí cụ thể là công cụ tốt nhất để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định được đúng dự án, đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan này trong việc lựa chọn dự án.

Ví dụ như ở Indonesia, quốc gia này dựa trên một khung phân tích với nhiều tiêu chí để lựa chọn dự án PPP, như: có khả thi về mặt tài chính và cần hỗ trợ tài chính hay không; mức độ sẵn sàng và rủi ro; lợi ích kinh tế - xã hội; phát triển vùng; vai trò của dự án đối với kế hoạch ngành; vai trò đối với an ninh quốc gia; tình hình giải phóng mặt bằng; tác động môi trường, tái định cư bắt buộc; tác động đối với nguồn thu từ xuất khẩu; tính an toàn;… Mỗi tiêu chí có thang điểm để đánh giá chia theo các mức điểm cao - điểm trung bình - điểm thấp. Tổng điểm đạt được sẽ là cơ sở để lựa chọn dự án thực hiện PPP.

Theo Bộ KH&ĐT, định hướng Luật PPP sẽ chỉ ban hành dưới dạng khung nguyên tắc, sau đó Nghị định của Chính phủ sẽ quy định từng bộ, ngành, căn cứ đặc thù ngành, lĩnh vực mình quản lý phải ban hành các công cụ cụ thể để hỗ trợ việc lựa chọn sơ bộ dự án thuộc bộ, ngành mình.

Với quy định về lựa chọn dự án, các cơ quan thực hiện sẽ nghiêm túc xem xét, xác định đúng các dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị, dịch vụ công đủ điều kiện để nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP, tránh trường hợp lựa chọn dự án trên cơ sở nhu cầu mà không xét có phù hợp với mô hình PPP hay không, từ đó góp phần đảm bảo thành công của dự án sau này.

Chuyên đề