Nâng hiệu quả đầu tư công từ bước lựa chọn dự án

(BĐT) - Lựa chọn dự án là bước rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả đầu tư công. Theo một số ý kiến, cần chặt chẽ hơn trong bước này, bổ sung các tiêu chí có thể định lượng được hoặc đánh giá chi phí - lợi ích…
Cần thực hiện thẩm định ý tưởng ban đầu, đánh giá khách quan về sự cần thiết, mức độ phù hợp chiến lược và khả năng bền vững của dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Cần thực hiện thẩm định ý tưởng ban đầu, đánh giá khách quan về sự cần thiết, mức độ phù hợp chiến lược và khả năng bền vững của dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Lựa chọn dự án không tốt sẽ dẫn đến lãng phí lớn

Ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, thiết kế của các quy định pháp luật, quy trình, hệ thống quản lý đầu tư công ở Việt Nam đa phần ở mức ngang bằng hoặc tốt hơn so với khu vực và các nước có cùng mức thu nhập, đặc biệt là cơ chế lập kế hoạch rất vững mạnh. Thể chế đầu tư công đã được cải thiện đáng kể theo hướng chặt chẽ hơn, nhưng còn bất cập trong quá trình thực hiện, mới chỉ tốt ở khâu lập kế hoạch, còn các khâu thực hiện đầu tư, quản lý sau đầu tư, đánh giá hiệu quả sau đầu tư còn hạn chế.

Theo ông Giang, một trong những thất thoát, lãng phí lớn nhất trong hoạt động đầu tư công là trong việc lựa chọn dự án. Vì thế, cần làm tốt hơn khâu này, thêm các tiêu chí có thể định lượng được để lựa chọn dự án đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn.

Từ thực tiễn thẩm định, ông Trương Công Dương, Trưởng phòng Phòng Tổng hợp quy hoạch thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Thái Nguyên cũng cho biết, việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án là rất quan trọng, tuy nhiên hiện không có cơ sở yêu cầu phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, lượng hóa các hiệu quả.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, Luật Đầu tư công đã quy định quy trình thẩm định dự án hướng tới tiệm cận các thông lệ quốc tế. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết nhằm quy định các bước đảm bảo lựa chọn được các dự án có chất lượng cao để đưa vào quy trình ngân sách.

WB đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công tác thẩm định, rà soát độc lập. Theo WB, hiện Luật Đầu tư công quy định rà soát độc lập dự án do Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính thực hiện và chỉ xem xét vấn đề có khả năng vốn hay không mà thôi. WB cho rằng, ít nhất thì đối với các dự án lớn, phải thực hiện thẩm định ý tưởng ban đầu, đánh giá khách quan về sự cần thiết, mức độ phù hợp chiến lược và khả năng bền vững của dự án; cần quy định phương pháp phân tích chi phí - lợi ích là phương pháp mặc định trong đa số trường hợp… Đồng thời, quy định rõ ràng, cho phép loại bỏ dự án ra khỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn ngay cả khi dự án đã được đưa vào kế hoạch nếu kết quả thẩm định không tốt.

Cũng theo WB, quy trình thẩm định dự án đầu tư công hiện còn chưa thống nhất, phụ thuộc vào tính chất dự án. Các dự án xây dựng phụ thuộc vào Luật Xây dựng, nhưng ngay cả khi hợp phần xây dựng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong dự án thì cũng vẫn áp dụng Luật Xây dựng. WB cho rằng, tốt nhất là nên để công tác thẩm định tất cả các dự án, kể cả dự án xây dựng, được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công.

Đề xuất bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác chuẩn bị đầu tư

Để lựa chọn dự án tốt thì vai trò của công tác chuẩn bị đầu tư là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, công tác chuẩn bị đầu tư trong thời gian vừa qua được quy định là một trong những nội dung của quá trình thực hiện dự án.

Quy định như vậy đã tạo ra sự bất cập ở chỗ, chuẩn bị đầu tư là để làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và để dự án có trong danh mục dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thế nhưng, chuẩn bị đầu tư là một nội dung của thực hiện dự án, tức là dự án đã nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn và được bố trí vốn. Điều này tạo ra bất cập là “dự án phải có trong kế hoạch thì mới có tiền chuẩn bị đầu tư, nhưng khi chưa có tiền chuẩn bị đầu tư thì không thể có dự án trong kế hoạch”.

Bộ KH&ĐT cho biết, qua đánh giá khách quan quá trình thực hiện Luật Đầu tư công, việc tách riêng nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư là cần thiết, tạo điều kiện để công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án được cẩn thận, kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng dự án khi thực hiện đầu tư. Kèm theo đó, cần có quy trình cụ thể về quyết định đầu tư đối với loại hình dự án này, đảm bảo sự chặt chẽ của pháp luật.

Chuyên đề