Mở đường thu hút vốn tư nhân bằng cơ chế đột phá

(BĐT) - Luật PPP cần tìm ra giải pháp để hài hòa giữa điều Nhà nước cần và điều nhà đầu tư muốn, giữa lợi ích và rủi ro của hai bên. Nếu cứ luẩn quẩn trong tư duy, trong những cách làm cũ, khung pháp lý hiện hành sẽ rất khó để tạo ra cơ chế đột phá thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng.
Cần tìm tiếng nói chung tại dự án Luật PPP để đạt được mục tiêu đáp ứng yêu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ công nhằm phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Ảnh: Lê Tiên
Cần tìm tiếng nói chung tại dự án Luật PPP để đạt được mục tiêu đáp ứng yêu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ công nhằm phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Ảnh: Lê Tiên

Nhà đầu tư đứng ngoài

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tuần qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải có cơ chế để mở đường cho tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đó cũng là mở đường cho sự phát triển bền vững.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - TP. Đà Nẵng chỉ ra rất nhiều ví dụ cho thấy tư nhân không thiếu nguồn lực, sẵn sàng tham gia nhưng vẫn tắc vì cơ chế. Đó là trường hợp một nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác phát điện sau 3 năm chuẩn bị vẫn ở con số 0. Xử lý rác thải thì phải làm dự án xử lý rác thải nhưng đốt rác thải để chuyển hóa thành năng lượng điện thì phải làm dự án phát điện. Việc này phải phù hợp với quy hoạch của ngành điện được Chính phủ phê duyệt. Rốt cuộc đó là dự án điện hay dự án rác thải? Chính quyền thành phố và chủ đầu tư loanh quanh trong một ma trận các quy định, còn người dân tiếp tục chịu sự ảnh hưởng vì ô nhiễm kéo dài. Hay để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, thành phố kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các bãi đỗ xe công cộng. Có khá nhiều nhà đầu tư đã quan tâm, thế nhưng không ai bỏ ra một khoản tiền đầu tư rất lớn để rồi thu lại từng đồng lẻ, trong khi đó, nếu đầu tư vào một ngành nghề khác thì lợi nhuận sẽ rất lớn. Bãi đỗ xe sẽ chỉ là một câu chuyện mơ ước của người dân và của chính quyền thành phố nếu đi kèm nó không phải là những cơ chế, chính sách phù hợp.

Đó chỉ là số ít những dự án mà Nhà nước có trách nhiệm đầu tư để cung cấp dịch vụ công cho xã hội, nhà đầu tư thì quan tâm và có tiền, nhưng bao nhiêu năm vẫn “tắc”. Sẽ còn rất nhiều dự án thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn tư nhân sẽ vẫn cứ dập dình nếu không thể tìm được tiếng nói chung. 

Khu vực tư nhân cần gì khi tham gia các dự án PPP?

Tại Hội thảo Góp ý Dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP diễn ra tại Quảng Ninh ngày 31/5, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn của khu vực doanh nghiệp về hợp đồng PPP. Ví dụ như điều khoản về ổn định/thay đổi pháp luật ở góc độ nhà đầu tư là vô cùng quan trọng. Phía Nhà nước chỉ đồng ý không thay đổi điều khoản về ưu đãi đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư muốn ổn định pháp luật trong tất cả các lĩnh vực.

Vấn đề giải phóng mặt bằng, theo ông Đậu Anh Tuấn, nhà đầu tư mong muốn Nhà nước cam kết thời điểm giải phóng mặt bằng xong, chậm giải phóng mặt bằng thì phải bồi thường.

Vấn đề bảo lãnh doanh thu, nhà đầu tư muốn có bảo lãnh doanh thu tối thiểu để giảm rủi ro. Nếu doanh thu tối thiểu thấp hơn dự toán ở một mức độ nào đó thì Nhà nước chịu một phần, đổi lại, nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận, nếu doanh thu vượt dự toán thì chia sẻ phần tương ứng cho Nhà nước. Với bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, nhà đầu tư yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm về chuyển đổi thành ngoại tệ nếu ngân hàng không chuyển đổi được bởi các hệ quả điều hành của Chính phủ.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết, về thẩm quyền ký kết hợp đồng, nhà đầu tư kiến nghị cần tách biệt quyền ký hợp đồng và quyền quản lý trong lĩnh vực; cán bộ nhà nước cần tôn trọng áp dụng hợp đồng.

Ở góc độ các cơ quan quản lý nhà nước, sẽ lại có những vấn đề khác cần quan tâm. Một số cơ quan đã chia sẻ quan điểm như vấn đề bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, Nhà nước cần phải đảm bảo an toàn dự trữ ngoại hối, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối về ngân sách, tác động đến nợ công... Không ngoại trừ vẫn còn đâu đó quan điểm giữ an toàn, lợi ích cho bản thân, cho công việc quản lý của riêng bộ, ngành mình mà không vì mục tiêu chung.

Nhà đầu tư không nhìn thấy lợi nhuận sẽ không làm. Thế nhưng, như cách nói của một lãnh đạo Bộ KH&ĐT, trong khi Nhà nước có rất nhiều quyền, thì nhà đầu tư chỉ có một quyền là quyền không đầu tư, mà đã không đầu tư thì không còn gì phải bàn nữa. Vấn đề là Nhà nước cần vốn, cần nhà đầu tư. Vì thế, cần có nỗ lực tìm ra tiếng nói chung tại Dự án Luật PPP, để đạt được mục tiêu cuối cùng là đáp ứng yêu cầu đầu tư chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn đời sống của người dân.

Chuyên đề