Mở đường ra biển cho Đồng bằng sông Cửu Long

(BĐT) - Để tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng thì việc nâng cấp, cải tạo, mở mới hệ thống giao thông vận tải thuỷ trực tiếp ra biển là vấn đề mang tính cấp bách.
Đến năm 2020, lượng hàng hóa tổng hợp thông qua các cảng trên sông Hậu dự báo sẽ đạt từ 21 - 22 triệu tấn/năm. Ảnh: Lê Tiên
Đến năm 2020, lượng hàng hóa tổng hợp thông qua các cảng trên sông Hậu dự báo sẽ đạt từ 21 - 22 triệu tấn/năm. Ảnh: Lê Tiên

Khơi thông “cửa ngõ” biển Đông

Việc thông luồng kỹ thuật cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu thông qua kênh Quan Chánh Bố và kênh Tắt hôm 20/1 đã mở ra một triển vọng lớn cho nền kinh tế hướng ra biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tuyến luồng sông Hậu được ví là “cửa ngõ” ra biển Đông, phát huy năng lực cụm cảng ĐBSCL, nhất là các cảng Cái Cui, Trà Nóc (Cần Thơ), Mỹ Thới (An Giang) mà đoạn tuyến huyết mạch được xác định là kênh Quan Chánh Bố.

Theo dự tính của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến năm 2020 lượng hàng hóa tổng hợp thông qua các cảng trên sông Hậu đạt từ 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 - 500.000 TEU/năm.

Giới chuyên gia kinh tế phân tích, việc thông luồng sông Hậu có tầm quan trọng lớn, vì trước giờ ở ĐBSCL dù có hệ thống cảng trung chuyển thu gom hàng hoá vận chuyển về khu vực cảng ở Đông Nam Bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Thời gian qua, có đến 70% nguồn hàng ở ĐBSCL xuất khẩu phải chuyển tải về TP.HCM qua hệ thống đường bộ hoặc qua cụm cảng Đông Nam Bộ. Chỉ có 30% xuất trực tiếp qua các cảng ở ĐBSCL, trong đó chủ yếu xuất ra miền Bắc trước khi sang Trung Quốc hoặc đi các nước ASEAN bằng tàu nhỏ vì tàu biển trọng tải lớn không thể vào được.

Theo khảo sát của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, với chiều dài bờ biển trên 700 km nhưng hiện nay ở ĐBSCL không có cảng biển lớn để khai thác. Toàn Vùng hiện có 2.167 cảng sông và bến xếp dỡ, trong đó chủ yếu là cảng sông nhỏ.

Điều này đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống đường bộ và hệ thống cảng ở vùng Đông Nam Bộ. Cùng theo đó là việc gánh chi phí vận tải cao (10 - 40%) dẫn đến đội giá thành, giảm sức cạnh tranh cho hàng hóa ở ĐBSCL, là những “điểm nghẽn” lớn, hạn chế sự phát triển kinh tế của Vùng. 

Đầu tư vận tải thuỷ hướng ra biển

Theo nhận định của lãnh đạo Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, phát triển vận tải đường thuỷ sẽ phát huy thế mạnh vùng ĐBSCL và hỗ trợ đường bộ. Thực tế cho thấy, trước đây vùng ĐBSCL vẫn chưa tận dụng được hết mối liên kết giữa các phương thức vận tải thuỷ - bộ. Toàn bộ các cảng biển ở ĐBSCL không có đường sắt kết nối đến cảng. Hệ thống bến bãi thuỷ nội địa còn nhiều hạn chế về quy mô, thiết bị xếp dỡ.

Chính vì vậy, trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa tại ĐBSCL, Bộ GTVT cho biết hiện đang triển khai kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với 5 dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 2.314 tỷ đồng, bao gồm: Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2; Cải tạo, nâng cấp luồng cửa Cổ Chiên; Nâng cấp tuyến vận tải thuỷ sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông; Đầu tư nâng cấp cảng Tắc Cậu, cảng Sa Đéc.

Ngoài ra, trên lĩnh vực hàng hải, vùng ĐBSCL đang kêu gọi đầu tư theo dạng thức hợp đồng BOT tổng cộng 7 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 6.503 tỷ đồng, bao gồm: Dự án Nâng cấp cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2); Đầu tư nạo vét luồng cửa Bồ Đề; Đầu tư xây dựng bến Lấp Vò trên sông Hậu (cảng Đồng Tháp), bến Minh Phú (cảng Hậu Giang), Bến Trà Cú (cảng Trà Vinh), Bến Đại Ngãi (cảng Sóc Trăng), Bến Gành Hào (cảng Bạc Liêu), Bến Khánh Dương Đông (Phú Quốc).

Bên cạnh việc đầu tư này, trong lần trao đổi với người viết, ông Trần Sinh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nói rằng, để vùng ĐBSCL mở rộng giao lưu với các nước có khoảng cách xa, phải sử dụng những tàu trọng tải lớn (50.000 - 100.000 DWT) để giảm chi phí vận chuyển, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Trần Sinh, ĐBSCL cần có các cảng nước sâu (độ sâu 14 m) để tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn. Trong quá trình hội nhập thì vấn đề nâng cao giá trị hàng hóa của vùng và thúc đẩy ĐBSCL phát triển nhanh hơn đang là một yêu cầu cấp thiết để xuất khẩu trực tiếp hàng hóa của vùng và nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu, xi măng… phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau trong vài năm tới.                                                                                                                        

Chuyên đề