Mở cơ chế huy động nguồn lực tư nhân

(BĐT) - Thông tư số 16/2016/TT-BKHĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành, có hiệu lực thi hành từ  ngày 6/2/2017 với kỳ vọng sẽ bảo đảm được nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý trong việc lập hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST), hồ sơ mời thầu (HSMT) lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Giúp địa phương khai thác tối đa lợi thế quỹ đất

Thông tư số 16/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST), hồ sơ mời thầu (HSMT) lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (Thông tư 16) gồm 5 điều: Điều 1 - Phạm vi điều chỉnh; Điều 2 - Đối tượng áp dụng; Điều 3 - Nguyên tắc áp dụng mẫu HSMST, HSMT lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; Điều 4 - Hợp đồng và Điều 5 - Tổ chức thực hiện. Ngoài ra, ban hành kèm theo Thông tư 16 là Mẫu HSMST lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và Mẫu HSMT lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Bộ KH&ĐT cho biết, quy định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ mở ra cơ chế huy động tối đa sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong việc triển khai các dự án hạ tầng tại các vị trí đất cần chỉnh trang đô thị, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai. Trong cơ chế này, nhà đầu tư góp nguồn lực với UBND cấp tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; sau đó đầu tư xây dựng công trình. Như vậy, UBND cấp tỉnh có thể khai thác tối đa nguồn lực từ lợi thế vị trí của quỹ đất, đồng thời bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai dự án theo đúng công năng, mục đích đã quy hoạch. 

Tạo thuận lợi cho bên mời thầu lập hồ sơ

Theo Bộ KH&ĐT, mục tiêu của việc xây dựng Thông tư 16 là bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý trong việc lập HSMST, HSMT lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh tại Khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, do tính đa dạng về lĩnh vực dự án, quy mô dự án nên việc quy định chi tiết về mẫu hợp đồng áp dụng chung cho những mục đích sử dụng đất khác nhau (xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại, trung tâm thể thao, khách sạn,...) là không khả thi. Theo đó, Thông tư 16 đã được xây dựng theo hướng quy định các nội dung cơ bản của hợp đồng cho các dự án sẽ được triển khai trên các khu đất đang đấu thầu. Căn cứ đặc điểm, lĩnh vực của từng dự án cụ thể, người có thẩm quyền và bên mời thầu xem xét, soạn thảo chi tiết các điều khoản của hợp đồng để đính kèm HSMT.

Hai mẫu HSMST, HSMT ban hành kèm theo Thông tư 16 được xây dựng cho các dự án đầu tư sử dụng đất nên một số nội dung yêu cầu trong các mẫu biểu đã được bổ sung để phù hợp với pháp luật về đất đai như: các hành vi bị cấm; yêu cầu về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong thực hiện dự án; yêu cầu về thời hạn tối đa triển khai dự án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; phụ lục phương án sơ bộ về bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Việc ban hành Thông tư 16 được Bộ KH&ĐT kỳ vọng là sẽ góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi các quy định của pháp luật về đấu thầu và tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu trong việc lập HSMST, HSMT lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Chuyên đề