Mai này, đặc khu...

(BĐT) - Chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ từ Hà Nội đi Phú Quốc chật kín du khách cho dù mới là tháng 4, chưa vào mùa du lịch. Từ trên cao nhìn xuống, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc với đường băng chạy dài được bao bọc bởi những hàng cây đơn sơ, mọc tự nhiên, hoang dã. 
Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh được Tập đoàn Sun Group xây dựng tại Vân Đồn với tổng số vốn lên đến 7.500 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh được Tập đoàn Sun Group xây dựng tại Vân Đồn với tổng số vốn lên đến 7.500 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Phú Quốc (Kiên Giang) cũng như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) - 3 khu vực dự kiến được áp dụng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - như những miền đất hứa đầy tiềm năng. 

Đến nay, các vùng đất đó vẫn chưa thực sự được đánh thức cho dù đã có một số thương vụ làm ăn của các nhà đầu tư trong nước. 

Đến rồi đi vì không có khác biệt về ưu đãi

Trên con đường từ sân bay về đại bản doanh của Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) Phú Quốc tại thị trấn Dương Đông, một cán bộ của Ban tranh thủ giới thiệu với chúng tôi về Phú Quốc.

Là hòn đảo xinh đẹp tách biệt hẳn với đất liền, phần lớn diện tích của Phú Quốc là rừng nguyên sinh, hoang sơ. Đặc biệt, trên huyện đảo này, khoan giếng ở bất cứ vị trí nào cũng có nước ngọt. Thời tiết đẹp, không có mùa lạnh, du khách có thể tắm biển quanh năm. Phú Quốc bốn bề là biển, nước xanh ngăn ngắt, trong đó có bãi biển kéo dài trên 20km là một trong những bãi biển dài nhất thế giới. Tất cả những điều này làm nên một Phú Quốc thực sự khác biệt với nhiều hòn đảo của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào Phú Quốc lại là một câu chuyện khác.

Do tách biệt với đất liền (cách xa khoảng 45km), mọi chi phí đầu tư tại đây đều rất đắt đỏ, cao hơn đáng kể so với đất liền. Chi phí tiền lương, nguyên vật liệu, đều cao hơn từ 50 - 60%. Đặc biệt, nguồn nhân lực có chất lượng cao tại đây rất khan hiếm.

Tiếp chúng tôi tại Ban Quản lý KKT Phú Quốc, ông Phan Văn Cường, Phó Trưởng Ban cho biết, 3 năm gần đây đều có các nhà đầu tư nước ngoài đến Phú Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư. Họ đặt câu hỏi, chính sách đầu tư vào Phú Quốc có gì khác biệt hay không, có ưu đãi gì lớn không? “Chúng tôi nói rằng, đến thời điểm hiện tại thì không có gì ngoài một số ưu đãi dành cho hải đảo. Sau đó họ đi và không có thông tin gì phản hồi lại. Có lẽ do Phú Quốc chưa có chính sách gì đặc biệt hấp dẫn” - ông Cường cho biết.

Câu chuyện ở Phú Quốc cũng có thể bắt gặp tại Vân Đồn hay Bắc Vân Phong.

Với vị trí đặc biệt nằm bên cạnh kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long, Vân Đồn có rất nhiều lợi thế cạnh tranh. Khoảng cách từ Vân Đồn đến Ma Cao, Hồng Kông (Trung Quốc) không xa, có thể thu hút được khách trong các lĩnh vực vui chơi giải trí, du lịch.

Với tham vọng phát triển KKT Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, đầu mối giao thương quốc tế, từ năm 2006, tỉnh Quảng Ninh đã liên tục tìm kiếm, mời gọi nhà đầu tư đến triển khai thực hiện các dự án lớn. Trong nhiều năm, một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của các nước như Hàn Quốc, Mỹ đã đến tìm hiểu cơ hội và thực sự có thiện chí. Nhưng cũng trong suốt thời gian đó các nhà đầu tư đến rồi đi vì họ muốn làm khu vui chơi giải trí phức hợp có hạng mục casino với điều kiện có sân bay tại đây.

Đến nay, Tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước SunGroup đang đầu tư Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh với tổng số vốn lên đến 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, có sân bay rồi, muốn thu hút các nhà đầu tư quốc tế lại cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù. Bởi ngoài lợi thế về tự nhiên, còn không ít khó khăn tại vùng đất này.

Cũng có bản sắc riêng như Phú Quốc và Vân Đồn, Bắc Vân Phong có cảng nước sâu nằm trong vịnh vô cùng thuận lợi cho các tàu lớn dừng chân. Không ít nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhưng đến nay Bắc Vân Phong vẫn chưa thu hút được dự án nào của nhà đầu tư quốc tế.

Các nhà đầu tư kỳ vọng vào chính sách đột phá dành cho Phú Quốc để hiện thực hóa giấc mơ biến đảo ngọc thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế. Ảnh: Lâm Thanh Sơn

Tương lai tươi sáng

Với vị trí có một không hai, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được đánh giá là những viên ngọc quý, là báu vật quốc gia. Tuy nhiên, để các địa danh này phát triển mạnh mẽ, trở thành đầu tàu kinh tế kéo các vùng phụ cận phát triển, cần những chính sách ưu đãi đặc biệt. Đặc biệt không phải để cạnh tranh với các địa phương trong nước mà với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, nhiều nước đã xây dựng các đặc khu kinh tế dựa trên mô hình khu kinh tế cơ bản với các đặc trưng là có không gian riêng biệt, có môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Vậy, “đặc khu kinh tế” của Việt Nam áp dụng tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có gì khác biệt?

Hiện các cơ chế, chính sách dành cho “đặc khu kinh tế” đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực dự thảo. Theo bản báo cáo đánh giá tác động của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đề xuất đầu tiên về các thể chế vượt trội dành cho ba đơn vị Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Theo đó, sẽ có hai nhóm chính sách dự kiến được áp dụng. Một là, chính sách về kinh tế - xã hội với mức ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các quy định hiện hành. Chẳng hạn, cho phép linh hoạt áp dụng miễn thuế xuất nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng được áp dụng mức thuế suất 0% hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng; không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; cho phép miễn và giảm thuế thu nhập cá nhân trong một thời gian nhất định… Hai là, nhóm chính sách về xây dựng mô hình tổ chức và quản lý tinh gọn, đủ thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả.

Giả định những chính sách trên sẽ được Quốc hội thông qua và áp dụng, các vùng đất trên sẽ thay đổi ra sao?

Tôi đem câu hỏi này đặt ra với ông Trần Đạo Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Quốc. Ông Đức rất đỗi tự hào khi giới thiệu mình là công dân Phú Quốc thực sự cho dù mới được biệt phái từ Hà Nội vào cách đây 7 năm.

Ông Đức nói: “Hiện nay, chúng tôi rất khó khăn trong việc tìm nhân sự tốt tại Phú Quốc. Nếu có chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân và hàng loạt các ưu đãi khác, sẽ thu hút được người giỏi đến đây. Hiện mỗi năm Phú Quốc đón 1,45 triệu du khách. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng lên 2 triệu du khách trong những năm tới. Nếu có chính sách ưu đãi, chắc chắn lượng du khách, các nhà đầu tư đến làm ăn sẽ tăng lên, Phú Quốc sẽ tăng trưởng bứt phá. Người dân ở đây sẽ được hưởng lợi. Họ sẽ không phải làm nhiều công việc vất vả, mạo hiểm để mưu sinh như nghề đi biển… Ngay trên mảnh đất này, hoạt động du lịch sẽ kéo theo nhiều dịch vụ khác và làm thay đổi cuộc đời họ. GDP tại các địa phương xung quanh sẽ được tăng theo. Bạn hình dung, mỗi năm Phú Quốc đón 2 triệu du khách, mỗi du khách lưu trú bình quân 4 ngày. Để đáp ứng nhu cầu của lượng du khách đó đòi hỏi một chuỗi dịch vụ cung ứng đi cùng”.

Tôi đồng điệu với suy nghĩ của ông Đức về kỳ vọng vào một luật có thể làm đổi thay những miền đất có quá nhiều lợi thế, giàu tiềm năng phát triển. Bởi tự thân nó đã có một sức hấp dẫn đặc biệt do thiên nhiên ban tặng. Các cơ chế, chính sách chính là những cú huých để Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc phát triển mạnh mẽ.

Trên chuyến bay đêm ra Hà Nội, trong đầu tôi luôn hiện lên 3 địa danh sáng lấp lánh nằm ở ba miền Bắc - Trung - Nam, nổi bật trên dải đất hình chữ S. Khi máy bay tăng tốc trên đường băng, tôi lại hình dung 3 vùng đất ấy chuẩn bị cất cánh. Để bay cao, vươn xa, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang chờ đợi một đường băng đủ lớn, đường băng pháp lý thông thoáng, cởi mở, ưu đãi vượt trội đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bắc Vân Phong có cảng nước sâu nằm trong vịnh vô cùng thuận lợi cho các tàu lớn dừng chân. Ảnh: Lê Tiên

Chuyên đề