Luật PPP: Biến nguồn lực tư nhân thành động lực phát triển quan trọng

(BĐT) - Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là Luật PPP) là rất cần thiết phải ban hành. Nếu làm tốt sẽ tạo ra chính sách mới huy động vốn ngoài xã hội, vốn quốc tế đầu tư sâu hơn vào kết cấu hạ tầng, dịch vụ công của đất nước, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Dự thảo Luật PPP bổ sung nhiều chính sách mới hướng tới việc thu hút được nhiều hơn nguồn lực, trí tuệ của khu vực tư nhân đầu tư cho kết cấu hạ tầng, dịch vụ công. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật PPP bổ sung nhiều chính sách mới hướng tới việc thu hút được nhiều hơn nguồn lực, trí tuệ của khu vực tư nhân đầu tư cho kết cấu hạ tầng, dịch vụ công. Ảnh: Lê Tiên

Chiều 16/9, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe, cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật. Theo Bộ trưởng, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu ổn định, lâu dài, bền vững. Bởi thực tế quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật. Để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Đặc biệt, hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công.

Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung nhiều chính sách mới. Những chính sách mới hướng tới tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những hạn chế đã xảy ra trong thực hiện dự án PPP thời gian qua, đồng thời thu hút được nhiều hơn nguồn lực, trí tuệ của khu vực tư nhân đầu tư cho kết cấu hạ tầng, dịch vụ công.

Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra tán thành về tính cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ. UBKT đánh giá hồ sơ Dự án Luật đã được chuẩn bị rất công phu, tuân thủ đúng quy trình, đáp ứng điều kiện trình ra Quốc hội cho ý kiến. Báo cáo thẩm tra cũng nêu một số vấn đề cần làm rõ, trong đó UBKT đề nghị Chính phủ luật hóa tối đa các quy định ở văn bản dưới luật vào Dự án Luật, giảm thiểu tối đa các quy định cần chờ hướng dẫn, đối với các quy định không thể luật hóa cần chuẩn bị các nghị định hướng dẫn...

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến đều nhấn mạnh tính cần thiết ban hành Luật về PPP, cho rằng đây là một luật rất khó, có tác động lớn, liên quan đến nhiều luật, nên cần phải nghiên cứu, rà soát kỹ, thận trọng, nhưng cần phải ban hành kịp thời vì đất nước đang rất cần nguồn lực.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phòng nhấn mạnh, Nghị quyết của Đảng đã xác định phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực tư nhân là nguồn lực của quốc gia, Nhà nước phải có chính sách đổi mới để phát huy, khơi dậy được nguồn lực này. Luật PPP có tính thời sự, tạo ra chính sách kinh tế mới để phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như tinh thần mới, đóng góp nhiều hơn nguồn vốn, trí tuệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ ra, trong chủ trương, Nghị quyết của Đảng đã đề ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là PPP.

Từ các ý kiến thảo luận, trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ làm rõ, tổng kết sâu sắc hơn 20 năm thu hút tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng đem lại hiệu quả ra sao, còn vướng mắc gì và được xử lý như thế nào. Chính phủ cần làm rõ hơn vấn đề tên gọi, phạm vi điều chỉnh; quy mô đầu tư; tính cụ thể, khả thi, sự thống nhất giữa luật này với các luật khác; chia sẻ rủi ro như thế nào cho hợp lý; nguyên tắc đầu tư, quản lý nhà nước; điều khoản chuyển tiếp... Chính phủ hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019.

Chuyên đề