Luật Đầu tư (sửa đổi): Chú trọng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư

(BĐT) - Luật Đầu tư (sửa đổi) với nhiều đổi mới mạnh mẽ, cơ chế thông thoáng được nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực phát triển mới. 
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Bên cạnh đó, việc rà soát, sửa đổi quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư sẽ tăng tính khả thi, thúc đẩy phát triển các ngành nghề kinh doanh mới, đặc biệt là những ngành nghề liên quan đến đổi mới sáng tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày 20/11, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá, qua thời gian thực hiện Luật Đầu tư, môi trường kinh doanh, đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nguồn lực cho phát triển, cắt giảm thủ tục hành chính... Bên cạnh những tiến bộ được ghi nhận, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận và yêu cầu sửa đổi đạo luật quan trọng này. Các ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của luật này để thể chế hóa các nghị quyết mới đây của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư với nước ngoài đến năm 2030 và cũng phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi, bảo đảm quyền của nhà đầu tư được tiếp cận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, ông Tiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết đầu tư thì phải có chế tài xử lý thu hồi các khoản ưu đãi mà họ đã được hưởng nhằm bảo đảm chặt chẽ và công bằng.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư còn chung chung, cần quy định chi tiết hơn để tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. “Thực tế thực hiện còn rất nhiêu khê, phiền hà về thủ tục, trình tự và làm nản lòng nhiều nhà đầu tư”, ông Tạo chia sẻ.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ hơn những lĩnh vực ưu tiên phát triển thật sự tác động đến kinh tế - xã hội, hạn chế những ngành, nghề thâm dụng lao động, khuyến khích và thu hút công nghệ cao, phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung các chính sách ưu đãi về thị trường ngoài các chính sách ưu đãi về tài chính, vì đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì vấn đề thị trường là rất quan trọng. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với những ngành, nghề mà doanh nghiệp trong nước đã tự sản xuất được hoặc có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước...

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc, có chất lượng và đổi mới hình thức, điều kiện cũng như thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, Dự thảo Luật quy định theo hướng: bổ sung quy định khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất kinh doanh và sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động đổi mới sáng tạo, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc là tham gia các chuỗi giá trị cụm liên kết ngành; bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để đảm bảo hiệu quả, chất lượng thực hiện chính sách này; đồng thời, bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một số ngành trên một số địa bàn đặc biệt hoặc những dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT đã tiến hành rà soát, đánh giá tác động và nhận thấy việc thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nêu trên không trái với Luật Ngân sách nhà nước và các cam kết hội nhập của Việt Nam.

“Còn việc giao cho Chính phủ áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này là cần thiết, nhằm đảm bảo thích ứng với mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới đang phát triển hết sức nhanh chóng dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đang áp dụng những chính sách này nhằm tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài, kể cả trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chuyên đề