Loại bỏ điều kiện kinh doanh cản trở DN phát triển

(BĐT) - Hội nghị tổng kết Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV) vừa được tổ chức ngày 23/6 tại Hà Nội. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Qua 3 năm thực hiện, các chuyên gia ghi nhận, RCV đã đồng hành tích cực cùng các bộ, ngành trong việc rà soát để loại bỏ các điều kiện kinh doanh cản trở hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp (DN). 

Hơn 4.500 điều kiện kinh doanh được loại bỏ

Theo đánhh giá của ông Raymond Mallon, cố vấn chính sách cấp cao của RCV, Dự án đã thực sự mang lại những kết quả tích cực cho cả DN, người nông dân và người tiêu dùng Việt Nam. Bằng chứng rõ nhất là nhờ những kiến nghị sửa đổi do RCV tư vấn trong Luật DN (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) đã giúp DN Việt Nam giảm đáng kể về chi phí và thời gian thành lập DN. Bên cạnh đó, các cuộc rà soát điều kiện kinh doanh do Dự án hỗ trợ cũng giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh cản trở sự phát triển của DN.

“Thực hiện Nghị quyết 19, năm 2015, 3.299 điều kiện kinh doanh đã được Bộ KH&ĐT đề xuất xóa bỏ. Tiếp đó, năm 2016, Bộ lại kiến nghị giảm số lượng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề. Đến thời điểm này, thông qua các cuộc rà soát, đã có 4.500 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ”, ông Raymond Mallon dẫn chứng.

Khẳng định kết quả nêu trên là rất ấn tượng và có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ghi nhận, RCV đã có những hỗ trợ quan trọng trong quá trình Bộ KH&ĐT soạn thảo 2 đạo luật quan trọng là Luật DN và Luật Đầu tư. Đặc biệt, Dự án đã đồng hành tích cực cùng các bộ, ngành trong việc rà soát để loại bỏ các điều kiện kinh doanh cản trở hoạt động và sự phát triển của DN.

Bên cạnh kết quả nổi bật nêu trên, theo ông Cung, Dự án cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận khác trong việc hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đánh giá, những kiến nghị của RCV đã được Chính phủ lắng nghe và tiếp nhận vì mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Còn nhiều việc phải làm

Năm 2016, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị giảm số lượng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề. Đến thời điểm này, thông qua các cuộc rà soát, đã có 4.500 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ.
Trong khuôn khổ RCV, trước đó, Báo cáo “Điều kiện kinh doanh 2017” - Báo cáo thống kê, đánh giá, rà soát hiện trạng điều kiện kinh doanh đã được giới thiệu. Theo Báo cáo, hiện nay có 7 ngành nghề, 5 dịch vụ, và 19 hàng hóa trong danh sách cấm kinh doanh; 12 ngành nghề chỉ DNNN được phép kinh doanh; 1 dịch vụ và 7 hàng hóa bị hạn chế kinh doanh. Bên cạnh đó, có 243 ngành nghề, 69 dịch vụ và 23 hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có hàng trăm các điều kiện khác nhau, trong khi các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh lại không rõ ràng và có cấu trúc phức tạp.

Trước thực trạng này, Nhóm nghiên cứu Báo cáo cho rằng, để giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho DN, cần phải “cắt xén” mạnh mẽ các quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh… Đồng thời, cần đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách cho cán bộ liên quan; thay đổi tư duy quản lý bằng mọi giá bằng tư duy quản lý không gây ảnh hưởng đến kinh doanh và xóa bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Đặc biệt, nên thành lập một cơ quan độc lập để thực hiện rà soát và “cắt xén” các điều kiện kinh doanh và các quy định pháp luật không hợp lý.  

Chuyên đề