Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia: 15 bộ lập 38 hợp phần quy hoạch

(BĐT) - Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHTTQG) dự kiến sẽ được tích hợp từ 38 hợp phần quy hoạch do 15 bộ tổ chức lập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là đơn vị tổng hợp, tích hợp các hợp phần quy hoạch này vào QHTTQG. 
Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành. Ảnh: Nhã Chi
Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành. Ảnh: Nhã Chi

Để đảm bảo tiến độ, Bộ KH&ĐT vừa có đề xuất Hội đồng Quy hoạch quốc gia về hình thức lựa chọn đơn vị tư vấn lập QHTTQG, lập hợp phần quy hoạch.

Là cơ quan thường trực của Hội đồng Quy hoạch quốc gia, Bộ KH&ĐT vừa có Tờ trình Hội đồng Quy hoạch quốc gia về nhiệm vụ lập QHTTQG.

Theo Tờ trình, QHTTQG là công cụ quản lý của Nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, là căn cứ để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển quốc gia; là cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 5 năm và hàng năm. QHTTQG cũng hướng tới mục tiêu đảm bảo tính khách quan, khoa học; đề xuất các quan điểm, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

Để thực hiện các mục tiêu đó, QHTTQG sẽ được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành nhằm đảm bảo tính liên ngành, liên lãnh thổ. Nội dung của QHTTQG được thực hiện thông qua việc tích hợp 38 hợp phần quy hoạch, lựa chọn ưu tiên không gian phát triển mang tính tổng thể trong từng giai đoạn, phù hợp với nguồn lực huy động, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đề xuất của cơ quan thường trực Hội đồng Quy hoạch quốc gia, 15 bộ, ngành sẽ được giao nhiệm vụ tổ chức lập 38 hợp phần quy hoạch. Cụ thể, Bộ KH&ĐT tổ chức lập 2 hợp phần; Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập 8 hợp phần; Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập 2 hợp phần; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lập 2 hợp phần; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập 5 hợp phần…

Số lượng các hợp phần quy hoạch được xác định dựa vào danh mục các quy hoạch ngành và có tính chất kỹ thuật chuyên ngành của quốc gia; dựa trên cơ sở bảo đảm khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư công, tránh lãng phí; đồng thời phải kế thừa kết quả nghiên cứu các đề án đã được cấp có thẩm quyền công nhận.

Liên quan tới cơ chế phối hợp trong quá trình lập QHTTQG, Hội đồng Quy hoạch quốc gia sẽ chỉ đạo tổ chức lập QHTTQG đúng tiến độ, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành. Bộ KH&ĐT có trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn lập QHTTQG, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; chỉ đạo triển khai lập QHTTQG. Các bộ được giao lập các hợp phần quy hoạch có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định các hợp phần này theo đúng quy định, gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp để tích hợp vào QHTTQG.

Để thuận lợi và đảm bảo tiến độ yêu cầu khi triển khai lập QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&ĐT kiến nghị Hội đồng Quy hoạch quốc gia cho phép thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn chính lập QHTTQG theo hình thức chỉ định thầu. Bộ KH&ĐT cũng đề xuất Hội đồng Quy hoạch quốc gia cho phép các bộ được giao nhiệm vụ tổ chức lập hợp phần quy hoạch được lựa chọn đơn vị tư vấn lập hợp phần quy hoạch theo hình thức chỉ định thầu.

Chuyên đề