Lựa chọn nhà đầu tư Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (TP.HCM):

Kiến nghị chỉ định Bitexco

(BĐT) - UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, do trước đó thành viên còn lại trong Liên danh với Bitexco là Công ty Emaar Properties PJSC (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) không tiếp tục đầu tư dự án này.
Tổng vốn đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) là 29.992 tỷ đồng. Ảnh: Oanh Đài
Tổng vốn đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) là 29.992 tỷ đồng. Ảnh: Oanh Đài

Đối tác nước ngoài trong Liên danh rút lui   

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2007. Tuy nhiên, do dự án này có quy mô lớn và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất phức tạp nên bị chậm triển khai. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, UBND TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng để xem xét, chấp thuận chủ trương chỉ định Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco - Công ty Emaar Properties PJSC là nhà đầu tư thực hiện Dự án.

Ngày 6/9/2011, Thủ tướng đã có công văn chấp thuận chủ trương lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án như đề nghị của UBND TP.HCM. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định và ban hành Quyết định số 6288/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 phê duyệt kết quả chỉ định Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco - Công ty Emaar Properties PJSC là nhà đầu tư thực hiện Dự án.

Tuy nhiên, ngày 15/9/2016, Bitexco có văn bản báo cáo cho biết phía đối tác Emaar đề xuất các ưu đãi ngoài các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, yêu cầu xác định chính xác chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xin miễn, giảm giá trị tiền sử dụng đất và các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thời hạn bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư, đồng thời khẳng định nếu các điều kiện này chưa rõ thì Emaar chưa tham gia đầu tư Dự án. Tiếp đó, trên cơ sở đề nghị không tiếp tục đầu tư Dự án của Emaar, Bitexco và Emaar đã ký thỏa thuận chấm dứt Liên danh vào ngày 18/10/2016.

Theo UBND TP.HCM, do đối tác nước ngoài trong Liên danh rút lui nên chỉ còn lại một mình Bitexco, nhưng Bitexco vẫn quyết tâm đề nghị được tiếp tục đầu tư Dự án. Sau khi tổ chức đánh giá năng lực, kinh nghiệm của Bitexco trên cơ sở hồ sơ yêu cầu đã được phê duyệt và quy định hiện hành, UBND TP.HCM nhận thấy Bitexco có đủ năng lực, kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện Dự án. 

Kiến nghị chỉ định Bitexco

UBND TP.HCM cho rằng, nếu áp dụng đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thì Dự án sẽ kéo dài thời gian, gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống các hộ dân thuộc đối tượng phải di dời của khu vực dự án, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư phát triển của TP.HCM. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thực hiện dự án này.

Trước đó, trong một văn bản gửi đến UBND TP.HCM vào đầu tháng 5/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, căn cứ các tiêu chí cũng như hồ sơ năng lực của Bitexco thì Bitexco đã chứng minh có đủ năng lực tài chính, tức có đủ nguồn vốn chủ sở hữu và khả năng huy động vốn để đầu tư cho Dự án, có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án tương tự. Nay nếu điều chỉnh thay đổi theo các hướng dẫn mới, phải thực hiện điều chỉnh lại tiêu chí, đánh giá lại hồ sơ sẽ càng làm chậm tiến độ thực hiện Dự án, gây khiếu kiện, khiếu nại của các hộ dân thuộc phạm vi Dự án.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho hay, mặc dù tổng vốn đầu tư Dự án là 29.992 tỷ đồng, trong đó phần lớn là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (22.742 tỷ đồng), nên đòi hỏi Bitexco phải cam kết thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của toàn bộ Dự án, không chia giai đoạn. Vì theo hồ sơ yêu cầu được duyệt, thời gian thực hiện Dự án là đến năm 2030. Đến nay, do ảnh hưởng của công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên tiến độ Dự án nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ là đến năm 2032.

Liên quan đến những vấn đề trên, Bitexco cho biết, Công ty xác định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện theo một số chính sách, đồng loạt, không phân chia giai đoạn. Ngoài ra, Công ty cũng thống nhất điều chỉnh lại tiến độ thực hiện Dự án đến năm 2032 như ý kiến góp ý của Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành khác của TP.HCM. Đặc biệt, Bitexco sẽ không yêu cầu UBND TP.HCM phải hoàn trả bằng tiền mặt đối với lãi suất cho khoản tiền Công ty ứng trước để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trong trường hợp tại thời điểm đóng tiền sử dụng đất, nếu pháp luật đất đai tại thời điểm đó cho phép thực hiện cấn trừ thì Công ty thực hiện cấn trừ theo quy định.

Nếu được Thủ tướng đồng ý, UBND TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm điều chỉnh Quyết định số 6288/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 về phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư. Đồng thời, tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng thực hiện Dự án với Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để có cơ sở triển khai ngay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (không phải thực hiện lại quy trình, thủ tục chỉ định nhà đầu tư, theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ nhằm triển khai dự án.

Chuyên đề