Khuyến khích doanh nghiệp Việt đầu tư sang Nhật

(BĐT) - Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Tổ chúc Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức Hội thảo “Mở rộng đầu tư, kinh doanh với thị trường Nhật Bản” nhằm hướng dẫn doanh nghiệp (DN) tiếp cận, đầu tư sang thị trường Nhật Bản.
Doanh nghiệp công nghệ thông tin có nhiều cơ hội tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp công nghệ thông tin có nhiều cơ hội tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: Lê Tiên

Nhật Bản, thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng FIA cho biết, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN trong nước ngày càng sôi động với lượng vốn đầu tư và số dự án ngày càng lớn. Theo số liệu của FIA, hiện DN Việt Nam đầu tư hơn 1.000 dự án ra nước ngoài với số vốn đăng ký khoảng 9 tỷ USD, trong đó, vốn giải ngân gần 5 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghệ thông tin, nông nghiệp, viễn thông… Riêng tại thị trường Nhật Bản, DN Việt Nam đã đầu tư gần 40 dự án với số vốn khoảng 7 triệu USD, xếp thứ 45 trên tổng số 68 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có dự án đầu tư.

“DN Việt Nam đầu tư sang Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Lĩnh vực này Việt Nam có thế mạnh và Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn. Vốn đầu tư cho công nghệ thông tin ít, mang lại hiệu quả, giá trị gia tăng cao” - ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng, đến năm 2020, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết có hiệu lực và được triển khai đầy đủ, chúng ta sẽ được hưởng ưu đãi của 55 nền kinh tế. Theo đó, dòng đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, DN Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn nên nhu cầu đầu tư ra nước ngoài cũng ngày càng lớn. Thị trường Nhật, với nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài, sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều DN Việt.

Ngay tại Hội thảo, ông Shigeki Maeda, Phó Chủ tịch JETRO chính thức kêu gọi DN Việt Nam tăng cường đầu tư vào Nhật Bản, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin. Ông Shigeki Maeda cho biết, Chính phủ cũng như các hiệp hội, tổ chức DN của Nhật Bản và Hiệp hội DN Việt Nam tại Nhật có rất nhiều chương trình và cơ chế hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho DN Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản và từ Nhật xuất khẩu và đầu tư sang nước thứ ba. Trong đó, chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư phần mềm cho châu Á mà Nhật Bản đang đẩy mạnh triển khai sẽ là cơ hội lớn cho DN và kỹ sư Việt Nam tham gia. DN Việt Nam thành công ở lĩnh vực công nghệ thông tin tại Nhật Bản cũng sẽ được hỗ trợ và hậu thuẫn tích cực từ phía Nhật Bản để đầu tư vào những thị trường tiềm năng khác như Anh, Mỹ và các nước phát triển…

Cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp

Hệ thống pháp luật về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN Việt Nam, nhờ đó đã nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tích cực hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong thời gian qua.
Ông Shigeki Maeda đánh giá cao đầu tư của Việt Nam vào Nhật Bản thời gian qua và coi sự hợp tác của Công ty FPT với các đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin là một biểu tượng thành công. “Hiện FPT đã có khoảng 200 đối tác là DN Nhật Bản. Khi TPP có hiệu lực, số đối tác này sẽ còn tăng mạnh bởi ngày càng nhiều DN Nhật Bản quan tâm và mong muốn hợp tác nhiều hơn với DN Việt Nam” - lãnh đạo JETRO cho biết.

Ông Shigeki Maeda cũng chia sẻ thêm, Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng thay đổi, cải cách nhằm tạo điều kiện, thu hút DN nước ngoài. Chính phủ Nhật đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và thu hút DN nước ngoài đầu tư vào quốc gia này. Một số chế độ độc quyền đã dỡ bỏ dần, thị trường thuốc, dược phẩm, thiết bị y tế cũng mở hơn. Theo đó, cơ hội đầu tư vào Nhật sẽ thuận lợi hơn nhiều trong thời gian tới.

Với tư cách là cơ quan cấp Giấy phép đăng ký đầu tư ra nước ngoài, lãnh đạo FIA cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thiểu thủ tục hành chính, khuyến khích DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Theo ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng FIA, Việt Nam và Nhật Bản đã ký hiệp định khuyến khích đầu tư và tránh đánh thuế 2 lần. Đây là cơ chế hỗ trợ, bảo trợ hiệu quả cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN hai nước.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN Việt Nam, nhờ đó đã nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tích cực hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong thời gian qua. Với nguyên tắc Nhà nước khuyến khích mở rộng đầu tư ra nước ngoài, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ phát triển, các DN sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong hoạt động này.

Ông Chung cũng khuyến nghị, trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ về pháp lý, bảo vệ quyền lợi, DN có thể đến đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại để được hỗ trợ.

Chuyên đề