Khơi thông dòng vốn đầu tư cho nông nghiệp

(BĐT) - Để tạo các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi luôn đóng vai trò quan trọng. Nhưng những vướng mắc trong vấn đề vốn vay cần sớm được khơi thông.
Nhiều doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo chưa có đủ điều kiện về vốn để đầu tư ứng trước cho nông dân. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo chưa có đủ điều kiện về vốn để đầu tư ứng trước cho nông dân. Ảnh: Tiên Giang

Thiếu vốn đầu tư cho nông nghiệp

Tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, khi nêu lên những bất cập, khó khăn liên quan vấn đề nguồn vốn, lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý rằng, nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành hàng lúa gạo, chưa có đủ điều kiện về vốn để đầu tư ứng trước cho nông dân cũng như tổ chức hệ thống thu mua nên vẫn dựa vào thương lái. Tựu trung là cả doanh nghiệp và nông dân đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Theo Bộ NN&PTNT, do ngân sách địa phương hạn chế nên chưa thể cân đối kinh phí để hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn. Đa số các địa phương chậm ban hành các chính sách hỗ trợ cánh đồng lớn và chậm phê duyệt các phương án, dự án xây dựng cánh đồng lớn của các doanh nghiệp là do chưa có kinh phí.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) cho rằng chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn quá khiêm tốn, nói chính xác thì với những chính sách hiện tại đối với doanh nghiệp thì gần như chưa có gì để đầu tư vào một ngành có nhiều rủi ro và lâu hoàn vốn như là nông nghiệp.

Ông Phạm Thái Bình cũng cho biết, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không muốn thực hiện cánh đồng lớn là do thiếu vốn đầu tư, thanh toán cho nông dân khá lớn trong cùng một thời điểm (cung ứng vật tư đầu vụ và thanh toán tiền lúa khi thu hoạch đồng loạt). Vốn đầu tư hạ tầng để phục vụ cánh đồng lớn khá lớn, thu hồi chậm, nhiều rủi ro. Áp lực bị thua lỗ do cạnh tranh không lành mạnh từ đa số các doanh nghiệp khác không thực hiện cánh đồng lớn mang lại…

Không chỉ với cánh đồng lớn, tình trạng “đói vốn” để đầu tư chuỗi phát triển cũng diễn ra hầu hết ở các lĩnh vực nông nghiệp khác.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ)

Trước thực tế trên, nhiều doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đề nghị cần có chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay. Đơn cử như doanh nghiệp mua máy cày, máy cấy, máy san ủi đồng ruộng, máy tưới tiêu... hoặc máy sấy lúa, silo chứa lúa, máy xay xát, chế biến lúa gạo để sản xuất canh tác và phục vụ trong cánh đồng lớn thì được vay vốn trung hoặc dài hạn với mức hỗ trợ lãi suất 100% cho 2 năm đầu, 50% cho các năm tiếp theo (giữ nguyên Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010).

Ngoài ra, với vốn ngắn hạn để đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đầu vụ và thanh toán tiền lúa bao tiêu cho nông dân khi thu hoạch trong cánh đồng lớn thì doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3%/năm cho 3 năm đầu và lãi suất 5% cho 2 năm tiếp theo.

Không chỉ với cánh đồng lớn, tình trạng “đói vốn” để đầu tư chuỗi phát triển cũng diễn ra hầu hết ở các lĩnh vực nông nghiệp khác. Với lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì các doanh nghiệp chăn nuôi cần có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư ban đầu xây dựng trang trại và các trang thiết bị đầu vào cho các trang trại nằm trong hệ thống gia công.

Còn theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, ngành thủy sản đang thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng trên toàn chuỗi giá trị, bao gồm cả đầu tư cho dịch vụ hậu cần, sản xuất giống và hệ thống thủy lợi. Kết quả là chất lượng sản phẩm thủy sản không đảm bảo, hiệu quả kinh tế của các tác nhân trong chuỗi thấp. TS. Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển các sản phẩm thủy sản, nâng cao giá trị gia tăng, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn cho ngư dân, người nuôi trồng thủy sản nhằm giảm sự phụ thuộc về tài chính vào thương lái, nậu vựa, tránh tình trạng ép giá. 

Cần các giải pháp về chính sách

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng này dự kiến đến cuối năm 2015 đạt 100.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ cho vay.

Ông Nguyễn Văn Thắng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng ngân sách đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong nông nghiệp bằng cơ chế, chính sách hiệu quả. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, cần có thêm các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.

Nhưng điều đó đòi hỏi các ngân hàng cần sẵn sàng dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Nhất là đối với các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng đối tượng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần tiếp tục mở rộng, từ các cá nhân hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hoặc cung ứng dịch vụ cho sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, cần khơi thông nguồn vốn vay đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có liên quan đến nông nghiệp để hỗ trợ liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Trong giải pháp về nguồn vốn cho chuỗi giá trị nông nghiệp trong thời gian tới, được biết Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ bố trí nguồn kinh phí và hướng dẫn thực hiện nguồn ngân sách hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Riêng Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng kết thực hiện Quyết định số 1050/QĐ-NHNN (ngày 28/5/2014) quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp để nhân ra diện rộng.

Chuyên đề