Khôi phục đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt

Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể ủng hộ tỉnh Ninh Thuận khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt phục vụ vận tải và du lịch.
Ga Đà Lạt còn dấu tích tuyến đường sắt răng cưa được người Pháp xây dựng.
Ga Đà Lạt còn dấu tích tuyến đường sắt răng cưa được người Pháp xây dựng.

Chiều 9/10, làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông, ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang phối hợp với nhà đầu tư tư nhân lập dự án khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang (Tháp Chàm) đi Đà Lạt (Lâm Đồng) vào giai đoạn 2020 - 2030.

Đồng tình kế hoạch của tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định tuyến đường sắt Phan Rang - Tháp Chàm đi Đà Lạt sẽ là sản phẩm kết nối du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương. Do đó, Bộ Giao thông ủng hộ việc khôi phục tuyến đường sắt này.

Liên quan đến dự án đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Thể yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ làm việc với tỉnh Ninh Thuận thống nhất phương án tuyến cụ thể. Đồng thời, đề nghị địa phương tăng cường quản lý, không để phát sinh thêm các đường ngang tự mở mới trên tuyến đường sắt Bắc Nam hiện nay.

Đường sắt Phan Rang - Đà Lạt dài 84 km từng được người Pháp xây dựng từ năm 1908 đến năm 1932 hoàn thành. Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui, đặc biệt có hai đoạn răng cưa dài gần 14 km vượt đèo. 

Tuyến đường này đã đi vào lịch sử ngành công nghiệp đường sắt, khi là một trong hai tuyến trên thế giới chạy bằng bánh răng cưa, vượt miền duyên hải lên cao nguyên 1.500 m (tuyến thứ hai là cung đường Jungfraujoch, vượt dãy Alpes ở Thụy Sĩ). Hiện nay để phục vụ du lịch, nhà ga Đà Lạt vẫn còn lưu hình mẫu bánh răng cưa dùng để kéo đoàn tàu lên những con dốc cao.

Tháng 8/2015, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chủ trương khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Chuyên đề