Khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (Keidanren) tổ chức Cuộc họp cấp cao Ủy ban Hỗn hợp để khởi động giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Đại sứ Nhật Bản, hai Chủ tịch Keidanren ký kết Biên bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Đại sứ Nhật Bản, hai Chủ tịch Keidanren ký kết Biên bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII

Kế hoạch hành động giai đoạn VII gồm 10 nhóm vấn đề, bao gồm một số vấn đề tồn tại của giai đoạn VI và một số nội dung mới mà phía Nhật Bản quan tâm đề xuất. Trong đó có 9 nhóm vấn đề đã được 2 bên thống nhất (với 65 tiểu hạng mục) như: Những quy định về đầu tư vào Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư kinh doanh; Thúc đẩy công khai thông tin như án lệ, minh bạch hóa chức năng tòa án; Các vấn đề về Luật Đất đai và đăng ký bất động sản, công khai thông tin liên quan; Cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thị trường chứng khoán; Thúc đẩy công nghiệp hóa có năng lực cạnh tranh quốc tế; Lao động và tiền lương; Khung chính sách về PPP; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô; Thành lập công ty và mở chi nhánh trong lĩnh vực dịch vụ; Cơ chế trả lời bằng công văn sẽ được hai bên tiếp tục thảo luận về khả năng đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn VII.

Tại Cuộc họp, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, những nội dung trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII là những chủ đề thể hiện đầy đủ sự phát triển của nền kinh tế của Việt Nam. Điều này nhằm mục đích tăng cường hơn nữa chất lượng đời sống nhân dân cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam thông qua việc thu hút dòng vốn FDI nghiêng về “chất”.

Cho rằng năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức độ thấp trong khối ASEAN, ông Umeda kỳ vọng: “Nội dung nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, nội dung này sẽ góp phần vào phát triển kinh tế Việt Nam”.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ ngành, nhóm công tác và cộng đồng doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ, tích cực với phía Nhật Bản, cần tổ chức các cuộc họp để giải quyết từng nhóm vấn đề được nêu trong Kế hoạch này. Trong bối cảnh hội nhập với khung khổ hợp tác mới, cả hai bên cần có những cách tiếp cận mới để thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn VII đạt hiệu quả cao hơn.

Không chỉ tham gia Sáng kiến chung, Bộ KH&ĐT đang hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản (JICA, JIBIC...) xây dựng khung pháp luật về PPP, trong đó có vấn đề sử dụng vốn ODA làm vốn góp của Nhà nước để tham gia dự án PPP.
Đại diện cho Nhóm công tác Khung chính sách về PPP, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, không chỉ tham gia Sáng kiến chung, Bộ KH&ĐT đang hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản (JICA, JIBIC...) xây dựng khung pháp luật về PPP, trong đó có vấn đề sử dụng vốn ODA làm vốn góp của Nhà nước để tham gia dự án PPP; nghiên cứu xây dựng Luật PPP, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2019) và thông qua tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5/2020.

Kết thúc Cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, hai Chủ tịch Keidanren ký kết Biên bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII. Theo Biên bản ghi nhớ, hai bên cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và tích cực triển khai đúng các cam kết để mang đến thành công, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Hai bên thống nhất thời gian triển khai Kế hoạch hành động này là 17 tháng, bắt đầu từ tháng 8/2018 đến cuối năm 2019). Trong đó, có hai cuộc họp đánh giá giữa kỳ (vào cuối năm 2018 và giữa năm 2019) và một cuộc họp cấp cao để đánh giá kết quả thực hiện Sáng kiến chung vào cuối năm 2019.

Chuyên đề