Khơi dòng chảy đầu tư tư nhân

(BĐT) - Tài chính là một trong những nội dung trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế. Với hai kênh dẫn vốn để phát triển nền kinh tế là chứng khoán và tín dụng ngân hàng, vận hành hiệu quả thị trường vốn được xem là một trong những giải pháp để huy động đầu tư tư nhân. 
Phát triển thị trường chứng khoán là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế
Phát triển thị trường chứng khoán là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế

Để khơi nguồn lực đầu tư, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ Nhà nước, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2017 là phát triển bền vững thị trường chứng khoán, quyết liệt xử lý nợ xấu, ổn định lãi suất và có những chính sách “đòn bẩy” nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào những lĩnh vực ưu tiên.

Phát triển bền vững thị trường chứng khoán

Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Ở nước ta, thị trường vốn trên 10 năm qua tuy đã có bước phát triển khá nhanh nhưng quy mô vẫn còn hạn chế. Nó chưa chuyển tải được cơ bản các dòng vốn trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Cho nên thị trường tiền tệ, biểu hiện rõ nét nhất thông qua kênh tín dụng ngân hàng, không chỉ làm chức năng phân bổ, đáp ứng vốn ngắn hạn mà còn làm chức năng về vốn trung, dài hạn trong quá trình phát triển của nền kinh tế.

Phát triển cân đối, hài hòa thị trường vốn và thị trường tiền tệ là nhiệm vụ được nhận dạng từ khá lâu trong quá trình quản lý, định hướng phát triển thị trường tài chính của nước ta. Tuy nhiên, đây là công việc không dễ dàng bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố, nhiều vấn đề liên quan đến cấu trúc của nền kinh tế, các chính sách phát triển, kể cả mức độ hội nhập vào kinh tế thế giới.

Thị trường vốn thời gian qua có thể đã chứng kiến những giai đoạn phát triển nhanh cũng như những thời điểm khó khăn do nền kinh tế thiếu ổn định. Nhưng điều rõ ràng nhận thấy là quá trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tạo ra các điều kiện thúc đẩy các dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu của các DN được CPH này. Bên cạnh đó, việc nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân xem như là động lực nhằm phát triển nền kinh tế đã thúc đẩy việc đổi mới thể chế kinh tế diễn ra rất mạnh mẽ. Nhờ đó đã cho ra đời hàng trăm nghìn DN mà các DN cổ phần chiếm một tỷ trọng khá lớn. Chính điều này đã tạo ra một lượng lớn các loại cổ phiếu để niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Nhưng nếu so với tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDP khoảng 110% thì đến nay tỷ lệ vốn hóa trên TTCK chỉ ở mức 44% GDP.

Để đạt tới mục tiêu tỷ lệ vốn hóa trên TTCK chiếm khoảng 70% GDP vào năm 2020, nhiều giải pháp phát triển TTCK nhanh và bền vững hơn cần phải được tính tới. Đầu tiên là kinh tế vĩ mô phải được điều hành theo hướng tiếp tục ổn định một cách bền vững. Đặc biệt là lạm phát phải ở mức khá thấp vì biến số kinh tế này sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến lãi suất và tỷ giá của VND. Việc đẩy mạnh quá trình CPH các DNNN nhanh hơn, mạnh mẽ hơn với quy mô lớn hơn cũng phải tiếp tục được xem là nhiệm vụ quan trọng, do các DNNN có quy mô vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh đó, một trong những đòi hỏi cần thiết để phát triển TTCK bền vững là phải điều chỉnh khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc quản lý các giao dịch vốn theo hướng nới lỏng hơn. Đối với các nhà đầu tư quốc tế, đây là yếu tố rất quyết định vì nguyên tắc “vào dễ ra dễ” đã trở thành một yếu tố kích thích trên các thị trường vốn quốc tế. Ngoài ra, chính sách cần tạo điều kiện để VND được dần dần chuyển đổi trong một cơ chế tỷ giá hối đoái theo hướng linh hoạt. Điều này đảm bảo cho việc nhà đầu tư nước ngoài chuyển hóa ngoại tệ ra VND dễ dàng, cũng như chuyển đổi từ VND ra ngoại tệ được thuận lợi khi chuyển vốn đầu tư về nước.               

Quyết liệt xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu luôn là một cuộc trường chinh, ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng tốt thì vẫn luôn tồn tại nợ xấu phát sinh “tự nhiên” tiềm ẩn trong tín dụng mới. Chữa được tận gốc căn bệnh nợ xấu trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, ngân sách khó khăn tiếp tục là bài toán khó của năm 2017.

Thực tế, việc xử lý nợ xấu trong những năm gần đây bước đầu đã làm được một số việc nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn đó đến từ rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, phải kể đến sự thiếu vắng một thị trường mua bán nợ có tính thanh khoản cao.

Về mặt chủ trương, việc mua bán nợ đã được định hướng theo cơ chế thị trường. Điều này cũng đã được thể hiện trong Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ xấu cho VAMC không theo giá trị sổ sách mà theo giá thỏa thuận, tức là đã mang màu sắc của thị trường. Trong năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Chủ trương đã có. Tuy nhiên, để tạo lập được một thị trường mua bán nợ lành mạnh, thanh khoản tốt, nhất là với loại hàng hóa rất “đặc biệt” như nợ xấu thì còn cần thêm nhiều điều kiện hấp dẫn khác nữa.

Đầu tiên là cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo nền tảng để hình thành thị trường mua bán nợ lành mạnh. Hệ thống cơ sở pháp lý cần hướng tới các mục tiêu hết sức cụ thể, chẳng hạn như mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho các thành viên tham gia thị trường, xác định rõ ràng quyền tài sản, thay đổi quy định pháp luật liên quan đến phát mại, mua bán tài sản thế chấp liên quan đến các khoản nợ xấu.

Tiếp đến là đảm bảo minh bạch thông tin thị trường đối với các khoản nợ, tài sản xấu được giao dịch. Đặc biệt, cần có chính sách mạnh mẽ hơn để tạo sức cầu cho thị trường bất động sản và thu hút các nhà đầu tư bởi có tới 80 - 90% tài sản bảo đảm là bất động sản.

Tóm lại, trong miền ràng buộc nguồn lực tài chính hạn hẹp, việc xử lý nợ xấu đòi hỏi cần phải có những giải pháp có tính khả thi cao. Có như vậy, căn bệnh nợ xấu mới có những chuyển biến tích cực, người bệnh là hệ thống ngân hàng sớm hồi phục và khỏe mạnh, đảm nhiệm tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế. 

Yêu cầu ổn định lãi suất

Tạo lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, ở đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo sẽ tạo điều kiện để thị trường phân bổ nguồn lực vốn theo tiêu chí hiệu quả.
Thực tế, khi lãi suất thiếu ổn định thì DN cũng sẽ thiếu tự tin đầu tư một cách dài hạn. Ổn định lãi suất là việc làm cần thiết để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Thông thường lãi suất có mối quan hệ mật thiết với lạm phát. Ở một góc độ nào đó thì có thể nói ổn định lãi suất bắt nguồn từ ổn định lạm phát. Tuy nhiên, trong một thế giới đầy biến động như hiện nay và chịu tác động qua lại khá lớn do quá trình hội nhập sâu thì ổn định lạm phát cũng là một công việc rất khó khăn. Hơn nữa, với một nền kinh tế đặc thù như Việt Nam, với xuất phát điểm và quy mô GDP khiêm tốn thì nhu cầu về vốn luôn luôn chịu áp lực nặng nề. Dưới góc độ cung cầu mà nói thì đây cũng là một áp lực cản trở cho lãi suất thấp và ổn định.

Mặc dù vậy, điều dễ cảm nhận là thị trường bao giờ cũng mong muốn các loại giá cả, nhất là lãi suất, có thể tiên đoán được. Do đó, để ổn định lãi suất cần nhiều giải pháp rất đồng bộ. Trước hết là ổn định lạm phát cơ bản (tức là lạm phát sau khi loại trừ các biến động bất thường của giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm) quanh mức 2 - 3%. Điều này khá liên quan đến quy mô cung ứng vốn cho nền kinh tế thông qua kênh tín dụng ngân hàng. Quản lý một mức tăng trưởng tín dụng vừa phải sẽ giúp kiểm soát lạm phát một cách chặt chẽ và hiệu quả. Ngoài ra, tạo điều kiện cho thị trường tiền tệ phát triển với đầy đủ các công cụ, các nghiệp vụ sẽ là giải pháp làm cho dòng vốn ngắn hạn được luân chuyển đồng đều và hiệu quả hơn. 

Khơi nguồn lực đầu tư tư nhân

Nguồn lực đầu tư từ Nhà nước ngày càng trở nên hạn hẹp do nhiều lí do, trong đó có trần nợ công và tình trạng bội chi ngân sách kéo dài, chất lượng đầu tư còn thấp. Với định hướng tăng trưởng nhanh và bền vững mà nước ta đang theo đuổi, vốn cho đầu tư phục vụ cho tăng trưởng là rất lớn. Sẽ có nhiều phép tính để lượng hóa số vốn đầu tư to lớn này, nhưng có thể nói, tạo lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, ở đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo sẽ tạo điều kiện để thị trường phân bổ nguồn lực vốn theo tiêu chí hiệu quả.

Trong năm 2017, ngoài việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta cần có những chính sách “đòn bẩy” nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào những lĩnh vực ưu tiên, cùng những chính sách mang tính tạo lập hệ sinh thái cho DN khởi nghiệp. Mặt khác, chúng ta cũng cần đẩy mạnh huy động đầu tư tư nhân thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) để tư nhân mạnh dạn tham gia đầu tư công, chung sức với Nhà nước. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu trước mắt là cải thiện thứ hạng trong chính khu vực ASEAN, nhằm tăng sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, việc CPH các DNNN với tốc độ nhanh, chặt chẽ sẽ thu hút một lượng lớn đầu tư của xã hội, tạo cho ngân sách một nguồn lực tài chính lớn để cân đối các nhu cầu đầu tư. Chính CPH sẽ giúp các DN sau CPH thay đổi phương thức quản trị điều hành hiệu quả hơn, tạo những nguồn lực tài chính cho kinh tế đất nước.

Chuyên đề