Khi Thủ tướng “xắn tay” làm xúc tiến đầu tư

(BĐT) - Ngay từ khi tuyên bố nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Với sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, đến nay tinh thần này đã nhận được sự hưởng ứng sâu sắc, mạnh mẽ, rộng khắp trong nền kinh tế và xã hội. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam tổ chức vào tháng 3/2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam tổ chức vào tháng 3/2017

Những chuyển biến tích cực gần đây ở nhiều địa phương chứng tỏ hiệu ứng của tinh thần cải cách ấy đã và đang lan tỏa.

Ấn tượng từ kết quả thu hút đầu tư

Để thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, đích thân người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần đôn đốc, thúc giục các bộ, ngành, địa phương hành động, nói đi đôi với làm, cả bộ máy chính quyền phải cùng vào cuộc, cùng chuyển động để tinh thần kiến tạo được lan tỏa. Gần như trong phiên họp thường kỳ nào của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ cũng thúc giục tinh thần hành động, không được ngồi chờ báo cáo, không được đề ra giải pháp chung chung, mà tất cả phải thể hiện bằng hành động và những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiến tạo không thể và không chỉ dừng lại ở lời nói. Chính phủ kiến tạo phải được chuyển hóa thành hành động, từ các ngành, các cấp, từ các tư lệnh ngành và lãnh đạo tất cả các địa phương.

Với tinh thần quyết liệt hành động, thời gian qua, Chính phủ đã có 25 Hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc đối thoại với doanh nghiệp, mà nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2017 thì “tính bình quân không có ngày nào không gặp, không làm việc”. Tại các hội nghị này, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai quyết liệt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; xây dựng niềm tin để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào các địa phương. Những hội nghị này đã mang lại nhiều kết quả hết sức tích cực, thể hiện qua những dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La, tháng 7/2017

Điển hình như, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam tổ chức hồi tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến dòng vốn 15,8 tỷ USD đầu tư vào 33 dự án. Cũng tại hội nghị này, 6 ngân hàng thương mại đã cam kết tài trợ hơn 26.000 tỷ đồng cho 10 dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trọng điểm như du lịch, dịch vụ, kết cấu hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, bệnh viện.

Chỉ sau đó chưa đầy 1 tháng, Thủ tướng tiếp tục chứng kiến tỉnh Bình Thuận trao quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký trên 83.000 tỷ đồng. Tiếp đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa, đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư lên tới 135.300 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD).

Ấn tượng hơn nữa, tại Hội nghị “Hà Nội 2017: Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức cuối tháng 6/2017, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74.370 tỷ đồng; đồng thời, cùng các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 134.790 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh khác như Sơn La, Bến Tre… cũng ghi nhận rất nhiều kết quả tích cực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, tháng 7/2017

Cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài cũng được chú trọng. Các hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam liên tục được tổ chức nhân các chuyến công tác nước ngoài của Thủ tướng. Mới nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng vào tháng 6 vừa qua, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản đã được tổ chức. Trước hơn 1.000 doanh nghiệp, Thủ tướng cam kết mạnh mẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cũng tại hội nghị này, các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản lên tới 22 tỷ USD đã được ký kết. 

Cam kết hành động để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Với tinh thần quyết liệt hành động, thời gian qua, Chính phủ đã có 25 Hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc đối thoại với doanh nghiệp, mà nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2017 thì “tính bình quân không có ngày nào không gặp, không làm việc”.
Những kết quả nêu trên là minh chứng rõ rệt cho khẳng định của Thủ tướng về việc “các Bộ trưởng và Chính phủ xắn tay áo cùng các địa phương thực hiện quyết tâm liêm chính, kiến tạo”. Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả bộ máy và hệ thống chính trị đã thể hiện rõ nhất cam kết hành động, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển của người đứng đầu Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát danh mục các luật cần sửa đổi, bổ sung và tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tất cả vì mục tiêu xoá bỏ mọi rào cản, mọi định kiến để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân.

Nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ mà Thủ tướng là người khởi xướng và tiên phong được doanh nghiệp đánh giá cao. Thế nhưng, ngược với tinh thần “xắn tay áo” đó, doanh nghiệp cũng còn nhiều bức xúc với những chuyển động ì ạch của cấp cơ sở. Một số nơi thủ tục hành chính vẫn còn chậm, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ, tổ chức sai phạm làm ảnh hưởng đến chủ trương phát triển chung, làm giảm sút lòng tin của doanh nghiệp... Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, quyết liệt chỉ đạo để tạo sự chuyển động đồng bộ của cả hệ thống từ trên xuống dưới, tránh tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh”.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2017: Hợp tác đầu tư và phát triển”, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp không phải chỉ nói bằng miệng mà phải hành động. Lãnh đạo các cấp, ngành, các địa phương hiện còn rất nhiều việc cần phải làm bởi hệ thống các quy định pháp luật về kinh doanh, doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục phải cải cách. Vẫn còn rất nhiều quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh, cản trở đổi mới sáng tạo, làm nhụt chí gia nhập thị trường, gia tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp… Việc thực thi các quy định pháp luật cũng còn yếu kém, làm gia tăng thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Chính vì vậy, để tinh thần kiến tạo thực sự lan tỏa, Thủ tướng luôn nhấn mạnh, hành động của người đứng đầu là rất quan trọng. Người đứng đầu quyết liệt sẽ kéo theo sự quyết liệt của bộ máy, và đó là điều mà cả xã hội đang mong chờ ở những “đầu tàu”…

Năm 2016 ghi nhận nhiều nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục đà cải cách, năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam phải đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cải thiện điểm số và thứ hạng trên các trụ cột về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể đã rõ, tuy nhiên, với nhiều thách thức đang chờ đón phía trước, Chính phủ xác định, để hoàn thành các mục tiêu này, cần có một quyết tâm và nỗ lực cải cách gấp nhiều lần năm 2016. Trong đó, yếu tố quan trọng là phải tạo dựng được một môi trường kinh doanh tốt với chi phí thấp nhất và rủi ro pháp lý, rủi ro tín dụng… ít nhất cho doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề khơi dậy động lực và tạo sự hưng phấn cho tinh thần khởi nghiệp.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng chỉ đạo Bình Thuận cần phát triển nông nghiệp chất lượng cao để phục vụ người dân và du khách

Có thể nói, cho đến thời điểm này, tinh thần kiến tạo, xây dựng quốc gia khởi nghiệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực sự lan tỏa. Người đứng đầu Chính phủ đã và đang tiếp tục hành động để hiện thực hóa các cam kết với cộng đồng kinh doanh. Ông có mặt tại các điểm nóng, trò chuyện cùng doanh nghiệp để lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ về những tồn đọng, vướng mắc cần phải được nhận diện, giải quyết. Chính sự vào cuộc quyết liệt cùng những cam kết cao nhất của người đứng đầu Chính phủ đã tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh - yếu tố quan trọng nhất để thu hút đầu tư và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.

“Hãy tự tin hơn nữa để vươn lên, hãy có những khát khao hơn nữa để phát triển, ngay cả khi bạn đã trở thành một doanh nhân thành đạt thì bạn vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp”. Chia sẻ tâm huyết này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng định hướng khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều lớn lao, mà chính từ những công việc giản dị, những điều bình thường như bắt đầu bằng việc lập công ty hoặc hộ kinh doanh, hay từ việc tái cấu trúc một doanh nghiệp có lịch sử phát triển lâu dài..., chính là nguồn cổ vũ mạnh mẽ để mỗi doanh nghiệp, người dân tham gia sâu hơn vào quá trình kiến tạo, phát triển quốc gia, dân tộc.

Chuyên đề