Khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - VBF giữa kỳ 2019

(BĐT) - Sáng 26/6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF giữa kỳ 2019 được khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển bền vững”.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 thu hút hơn 500 đại biểu tham dự. Ảnh: Lê Tiên
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 thu hút hơn 500 đại biểu tham dự. Ảnh: Lê Tiên

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh VBF tổ chức. Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và khoảng 500 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng đại diện của các bộ, ngành và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khó lường. Theo Bộ trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng còn chậm, chưa thực sự bền vững. Năng lực cạnh tranh, năng suất lao động còn thấp. Việc tham gia các hiệp định đang tạo ra áp lực đối với các yêu cầu phát triển nhanh gắn với bền vững và hội nhập sâu rộng...

Để biến thách thức thành cơ hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần kiên định và quyết tâm cải cách nền kinh tế. Một là nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các nguồn lực phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và tận dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ; hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài ở khắp nơi trên thế giới. Thứ hai là xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Thứ ba là đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp, tinh giản biên chế, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, nhất là sự năng động, nhiệt huyết của người đứng đầu Chính phủ, quan tâm đến nhiều khía cạnh vấn đề của doanh nghiệp để khơi thông ách tắc. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ, mà cần sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kinh doanh.

“Nếu như thời gian đầu, VBF chủ yếu tập trung đề xuất, phản ánh khó khăn, vướng mắc để Chính phủ nhận diện thách thức, giải quyết ách tắc, đồng thời đóng góp ý kiến cho Chính phủ để xây dựng, hoạch định chính sách; thì nay, chủ đề của Diễn đàn được nâng lên tầm cao hơn, nói về trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nhanh và bền vững. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và cho chính doanh nghiệp.

Những đề xuất của doanh nghiệp tại Diễn đàn sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước đứng đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn phát triển của các nước OECD và nâng cao hơn nữa xếp hạng, vị thế của Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, sử dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường.

Về phía IFC, ông Kyle F. Kelhofer - Giám đốc Quốc gia cấp cao Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá cao vai trò lãnh đạo và những cam kết của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong việc tổ chức đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam là một câu chuyện thành công về giảm nghèo mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng môi trường, xã hội hiện nay vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Việt Nam vẫn chưa có tiến bộ đáng kể trong vấn đề phát triển bền vững. Tuy nhiên, một mình Chính phủ thì không thể làm được, cộng đồng doanh nghiệp cũng có vai trò rất quan trọng. Trụ cột của phát triển bền vững là con người, hành tinh và lợi nhuận. Bền vững còn nói tới việc đảm bảo lâu dài cho công việc hiện nay và công việc trong tương lai.

“Trong thế giới bất ổn hiện nay, Việt Nam cần đảm bảo cạnh tranh thương mại và tiếp cận bền vững để có thể cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện Việt Nam tập trung nhiều vào đoạn giữa của chuỗi giá trị sản xuất là lắp ráp, do đó, cần hướng tới giai đoạn trước khi hoàn tất, bao gồm: thiết kế, nghiên cứu phát triển, marketing, kỹ thuật số và dịch vụ. Khi mở rộng sự tham gia vào chuỗi giá trị này, Việt Nam sẽ mang lại những cơ hội phát triển bền vững hơn, đảm bảo công việc cho người lao động”, đại diện IFC nhấn mạnh.

Với nỗ lực hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, ông Kyle F. Kelhofer tin tưởng, sẽ mang lại nhiều lợi ích cạnh tranh, cơ hội phát triển. Các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp cần linh hoạt trong các hoạt động, bởi vì phát triển bền vững là quá trình liên tục, từ hành động nhỏ cho đến chiến lược lớn.

Đối thoại với Chính phủ, 9 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài có báo cáo tham luận, trong đó nêu ra các khó khăn, vướng mắc và bất cập trong cơ chế chính sách và thực thi pháp luật về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) mong muốn Chính phủ đẩy nhanh tiến trình đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) quan tâm đến sự bất định, dễ thay đổi của các quy định pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh... Bên cạnh đó, các nhóm công tác của Liên minh VBF và các bộ, ngành liên quan có sự trao đổi, hồi đáp, giải trình và tiếp thu từng vấn đề cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: Tiên Giang

Đại diện cho Chính phủ tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải được thể hiện trên 3 khía cạnh, gồm: kinh tế, pháp lý và đạo đức. Về kinh tế, doanh nghiệp cần cân đối mục tiêu lợi nhuận, đối xử thỏa đáng đối với người lao động, tạo điều kiện cho người lao động phát triển chuyên môn, thụ hưởng môi trường an toàn, vệ sinh. Doanh nghiệp cần tận dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy tài nguyên mới, liên kết mạnh mẽ với các bộ phận trong nước để cung cấp hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm, cạnh tranh lành mạnh. Pháp lý là tuân thủ đầy đủ quy định cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, thúc đẩy sự công bằng, an toàn và bảo vệ môi trường. Đạo đức, dù đây không phải là ràng buộc pháp lý, nhưng vô cùng quan trọng với cộng đồng. Doanh nghiệp quyết định đúng, chia sẻ lợi ích thì xã hội sẽ tôn vinh.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đóng góp, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách, quan tâm tới phát triển nhanh gắn với bền vững.

Chuyên đề