Khắc phục tình trạng nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”

(BĐT) - Một trong những vấn đề nổi cộm nhất từ thực tế triển khai các dự án BOT thời gian qua là tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, thiếu trách nhiệm trong thực hiện dự án dẫn đến tình trạng dự án chậm tiến độ. 
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư góp vào dự án PPP được đề xuất tăng từ 10 - 15% hiện nay lên 20 - 25%. Ảnh: Lê Tiên
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư góp vào dự án PPP được đề xuất tăng từ 10 - 15% hiện nay lên 20 - 25%. Ảnh: Lê Tiên

Theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15), sẽ có những sửa đổi để nhà đầu tư BOT phải bỏ “tiền tươi thóc thật” vào dự án.  

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tác công tư (PPP), nhà đầu tư cần phải có mức vốn chủ sở hữu cao hơn để đảm bảo khả năng thực hiện dự án và giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư góp vào dự án PPP, theo NHNN, nên vào khoảng 20 - 25% tổng vốn đầu tư của dự án (hiện nay tỷ lệ là 10 - 15%); đồng thời, mức cụ thể do các tổ chức tín dụng xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của mỗi nhà đầu tư và phương án trả nợ của từng dự án cụ thể.

Kiểm toán Nhà nước thì cho rằng cần bổ sung thêm quy định về giám sát nghĩa vụ vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư đã cam kết. Thực tế cho thấy rất nhiều dự án có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu không đúng như cam kết. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc không đáp ứng được tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu một phần do các nguyên nhân như: vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào các tài sản như nhà xưởng, trụ sở, bất động sản… do vậy, khi triển khai dự án, nhà đầu tư rất khó để huy động vốn vào thực hiện dự án; trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư có thể thực hiện thêm một vài dự án khác làm ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu góp vào thực hiện dự án. Kiểm toán Nhà nước đề nghị, để đảm bảo được vốn chủ sở hữu đúng như cam kết trong hợp đồng dự án, cần phải có quy định cụ thể hơn về việc góp vốn chủ sở hữu trong giai đoạn thực hiện đầu tư. Cụ thể là cần quy định rõ vốn góp vào dự án phải bằng tiền, quy định rõ tiến độ góp vốn phải đảm bảo đủ tỷ lệ quy định.

Bộ KH&ĐT cho biết, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 15, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu, bổ sung một số nội dung nhằm huy động tốt hơn các nguồn lực trong dự án PPP, trong đó có quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu mà nhà đầu tư phải góp trong dự án nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, giảm áp lực đối với thị trường tín dụng.

Dự thảo mới nhất của Nghị định thay thế NĐ 15 đã nâng tỷ lệ này theo hướng đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Dự thảo cũng quy định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được góp theo tiến độ thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu sẽ góp vào vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Trường hợp vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án thấp hơn mức vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết huy động, hợp đồng dự án phải bao gồm lộ trình tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án, phù hợp với tiến độ triển khai dự án.

Theo một chuyên gia, tỷ lệ vốn chủ sở hữu đưa ra tại Dự thảo là phù hợp để vừa đảm bảo khả thi vừa tăng trách nhiệm tài chính của nhà đầu tư vào dự án PPP.

Chuyên đề