Huy động hàng trăm tỷ đồng từ dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né, IDJ sử dụng ra sao?

(BĐT) - Dù bị Sở Xây dựng Bình Thuận yêu cầu ngừng tất cả mọi giao dịch liên quan đến Dự án do chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng, Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né do Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (gọi tắt là IDJ) làm chủ đầu tư vẫn huy động được tiền từ các cá nhân. Dòng tiền huy động cho Dự án chảy đi đâu?
Nửa đầu năm 2019, Apec Mandala Wyndham Mũi Né được giải ngân 46 tỷ đồng
Nửa đầu năm 2019, Apec Mandala Wyndham Mũi Né được giải ngân 46 tỷ đồng

Dòng tiền có đi đúng địa chỉ?

Apec Mandala Wyndham Mũi Né được giới thiệu là một dự án condotel đạt đến đẳng cấp 5 sao quốc tế và được quảng bá rầm rộ trên các website kinh doanh bất động sản.

Tuy vậy, vào giữa tháng 6/2019, Sở Xây dựng Bình Thuận đã ký văn bản gửi đến chủ đầu tư Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né, yêu cầu ngừng tất cả mọi giao dịch liên quan đến Dự án do chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Bình Thuận đưa ra cảnh báo, xuất hiện nhiều thông tin chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.

Dù bị Sở Xây dựng Bình Thuận “tuýt còi” nhưng báo cáo tài chính mới nhất của IDJ cho biết, đến hết quý II/2019, Công ty đã huy động được 252 tỷ đồng từ các cá nhân cho Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né.

Vì IDJ không thuyết minh cụ thể nên chưa rõ khoản vốn góp của các cá nhân cho Dự án có hình thức, cam kết, nghĩa vụ và quyền lợi ra sao. Nhưng trên thực tế, không ít chủ đầu tư do chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho dự án thường sử dụng hình thức hợp đồng vay vốn thay thế cho thỏa thuận đặt cọc.

Một điểm đáng chú ý khác, mặc dù huy động được 252 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến hết quý II/2019, Apec Mandala Wyndham Mũi Né mới được giải ngân 46 tỷ đồng. Trong một diễn biến khác, các dự án như Apec Diamond Park Lạng Sơn đã được rót 151 tỷ đồng, Royal Park Huế được giải ngân 10,4 tỷ và Aqua Park Bắc Giang là 12,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số dư tiền và các khoản tương đương tiền cùng tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng của IDJ tại thời điểm cuối tháng 6/2019 chỉ đạt khoảng 73 tỷ đồng.

Nguồn tiền mà các khách hàng đã tin tưởng góp vốn cho IDJ để đầu tư vào Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né đã được IDJ sử dụng ra sao đang là một ẩn số. 

Lãi ròng 1,2 tỷ đồng sau 6 tháng

Có quy mô vốn chủ sở hữu hơn 320 tỷ đồng và đang lỗ lũy kế, nhưng IDJ hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn có tổng vốn đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng. Ngoài Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né (Bình Thuận), IDJ cũng đang đầu tư Dự án Apec Diamond Park Lạng Sơn (1 tòa nhà thương mại, 240 căn biệt thự/shophouse), Apec Mandala Wyndham Hải Dương (175 căn hộ)…

Dù vậy, kết quả kinh doanh của IDJ không quá ấn tượng. Theo báo cáo tài chính mới nhất, doanh thu thuần trong quý II/2019 của doanh nghiệp này đạt 38,6 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 1,8 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính của IDJ không phát sinh nhiều về doanh thu và chi phí. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng của IDJ quý II/2019 ở mức 2 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả, lợi nhuận ròng quý II/2019 của IDJ đạt hơn 1 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận ròng của Công ty lần lượt đạt 79 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng, giảm tương ứng 36% và 8% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết quý II/2019, Công ty vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế 20,6 tỷ đồng.

Chuyên đề