Hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc: Khắc phục chênh lệch về kỹ thuật

(BĐT) - Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và đang ở giai đoạn hết sức tốt đẹp. Đây là điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) hai nước hợp tác đầu tư, thương mại, tận dụng các thị trường của nhau, nhất là khi dư địa cải thiện tăng trưởng chung của cả hai bên vẫn còn nhiều.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc có ý định mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Việt Hưng
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc có ý định mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Việt Hưng

Nhận định này được các chuyên gia, DN hai nước nêu ra tại Hội nghị Kinh tế và Tài chính quốc tế  (IEFC) lần thứ 8 với chủ đề: Việt Nam - Hàn Quốc, kế hoạch tăng trưởng đổi mới vì sự thịnh vượng chung diễn ra vào cuối tuần qua. 

Nhiều DN Hàn Quốc muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Năm 2018, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 7,2 tỷ USD. Trung bình mỗi năm, vốn FDI từ Hàn Quốc duy trì ở mức 7 - 9 tỷ USD.

Về thương mại, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Riêng năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 65,7 tỷ USD.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong năm nay sẽ có hơn 8.000 DN nước ngoài đầu tư vào nước ta, trong đó có nhiều DN Hàn Quốc. Một số DN khác đang có nhà máy tại Việt Nam cũng tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc bao gồm LG, POSCO, CJ và Hyosung cũng đã có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) của các nhà đầu tư Hàn Quốc ngày càng gia tăng như thương vụ Hanwha chi 400 triệu USD mua 84 triệu cổ phiếu ưu đãi của Tập đoàn Vingroup, SK Group đầu tư 470 triệu USD mua 109.899.932 cổ phiếu quỹ của Masan...

Thương mại và đầu tư giữa hai nước đang rất thuận lợi. Việt Nam là cơ sở sản xuất của Hàn Quốc để xuất đi các thị trường trong khu vực và thế giới. Xu hướng nhiều DN Hàn Quốc dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP ngày càng rõ.

Cân bằng cán cân thương mại là quá trình dài

Trong khi xuất khẩu, đầu tư của Hàn Quốc sang Việt Nam tăng nhanh, thì hàng hóa Việt Nam xuất sang Hàn Quốc chưa nhiều, chủ yếu là các sản phẩm chưa qua chế biến. Đến nay, Việt Nam đã có linh kiện, sản phẩm nông sản xuất sang Hàn Quốc, dù có cải thiện ít nhiều nhưng tỷ lệ còn khá nhỏ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2018 đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8% và nhập khẩu từ Hàn Quốc là 47,5 tỷ USD, tăng hơn 1% so với năm 2017.

Để tiếp tục thu hút đầu tư từ Hàn Quốc cũng như cân bằng cán cân thương mại, ông Choi Seok Young, nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc, cho rằng, Việt Nam cần cải thiện chính sách về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hiệu quả thực thi chính sách. Xuất xứ sản phẩm là một vấn đề cần hết sức lưu ý khi tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Sự tiếp cận thị trường Việt Nam dễ hơn trước đây rất nhiều, nhưng cần nâng cao tính hiệu quả và nhất quán trong chính sách.

Nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng về thương mại giữa hai nước cũng được một đại diện phía Hàn Quốc lý giải: Trong khi DN Hàn Quốc kỳ vọng tiêu chuẩn sản xuất tốt hơn, thì nước sở tại lại chưa đáp ứng được, hiện còn chênh lệch và khác biệt khá lớn về mặt kỹ thuật.

Về phía Việt Nam, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ để phục vụ tốt cho các dự án lớn, giúp các DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Tuy nhiên, bên cạnh thu hút những tập đoàn, DN lớn, Việt Nam cũng mong muốn thu hút những nhà đầu tư là DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc đến đầu tư tại Việt Nam, thông qua các hình thức liên doanh, liên kết, mua cổ phần hay đối tác công tư”, ông Phú đề nghị.

Chuyên đề