Hội thảo Viễn cảnh Đông Nam Bộ: Con người là nhân tố then chốt của thành công

(BĐT) - Tại hội thảo khoa học quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần thứ nhất, với chủ đề: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Kinh nghiệm các quốc gia châu Á và bài học cho vùng TP.HCM”, diễn ra trong 3 ngày 6, 7, 8/12/2018 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện quá trình chuyển đổi nền kinh tế, vấn đề xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để tạo động lực phát triển và đáp ứng những biến đổi mang tính toàn cầu.
Chìa khóa để tạo động lực phát triển chính là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chìa khóa để tạo động lực phát triển chính là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vùng TP.HCM sẽ trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước

Vùng TP.HCM nằm trong quy hoạch được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 23/4/2008 với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050. Phạm vi vùng TP.HCM có tổng diện tích 30.404 km², bán kính ảnh hưởng từ 150–200 km. Đến năm 2030, dân số vùng đô thị này dự kiến từ 24 - 25 triệu người, dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 75%. Tầm nhìn đến năm 2050, vùng đô thị này sẽ có 28 - 30 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 25 - 27 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%.

Trong mục tiêu phát triển, vùng TP.HCM sẽ trở thành vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm thương mại – tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học – dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao, trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.

Theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu có những tác động đến công nghệ và sản xuất của các doanh nghiệp, việc sử dụng hệ thống máy tự động, robot, dữ liệu lớn… góp phần gia tăng năng suất lao động và giảm thiểu chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực trong vùng TP.HCM nói riêng chưa bắt kịp với sự phát triển của khoa học, công nghệ. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có khoảng 86% lao động trong ngành dệt may và giày dép có nguy cơ bị mất việc làm. Đặc biệt, lao động trong các ngành nghề truyền thống và lao động thủ công là lực lượng lao động có nguy cơ gánh chịu nhiều rủi ro nhất khi bị thay thế bởi những hệ thống máy móc tự động hóa.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện quá trình chuyển đổi nền kinh tế, vấn đề xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để tạo động lực phát triển và đáp ứng những biến đổi mang tính toàn cầu kể trên. Do vậy, việc học tập kinh nghiệm của thế giới nói chung, các nước trong khu vực châu Á nói riêng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề rất quan trọng; qua đó, gợi ý mô hình và giải pháp phù hợp trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ở Nam Bộ, hướng tới phát triển bền vững vùng TP.HCM - Việt Nam.

Người lao động cần được trang bị kiến thức mới

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, thông qua phiên đối thoại chung, hội thảo đã mang đến cho các đại biểu một cơ hội hiểu biết sâu sắc những tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ cấu lao động và thị trường lao động; thách thức của nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung, ở vùng TP.HCM nói riêng khi đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; về vai trò của trường đại học, của doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới.

Đồng quan điểm, TS. Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHX&NV, ĐHQG Tp.HCM khẳng định, trong tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa xã hội – nguồn nhân lực – con người là nhân tố then chốt của thành công. Nguồn nhân lực không chỉ giới hạn ở những người trực tiếp sản xuất, mà còn cả những người quản lý, hoạch định chính sách và quản trị doanh nghiệp.

Về thực tiễn, để trở thành người lao động chất lượng cao, sẵn sàng tham gia đầy đủ và hiệu quả vào chuỗi các giá trị sản xuất và hợp tác toàn cầu, người lao động cần được trang bị kiến thức mới, hiện đại; phương pháp tiên tiến tiếp cận công việc và kỹ năng tham gia hoạt động tinh tế. Ở đây, vai trò của nhà trường, của doanh nghiệp là hết sức to lớn.

Đáng lưu ý, trong hội thảo này, các ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp là hết sức lý thú và giàu ý nghĩa thực tiễn. Những gợi ý giá trị như vậy góp phần làm sáng tỏ hơn các quan niệm và kinh nghiệm thực tiễn về chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, ở vùng TP.HCM trong thời ký đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam.

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, ngày 6/12/2018, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Trường Đại học Quốc lập Thành Công (Đài Loan); với Trường Đại học Mahachulalongkorn (Thái Lan) và với Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản). Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG T.p HCM ký Bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Mahachulalongkorn (Thái Lan).

Các bản ghi nhớ hợp tác học thuật song phương với đa phương giữa các trường đại học trên là những cam kết cần thiết xây dựng niềm tin vững chắc vào việc hợp tác lâu dài và hiệu quả trong quá trình hội nhập sâu rộng của đại học Việt Nam vào hệ thống giáo dục đại học trên toàn thế giới và khu vực.

Chuyên đề