Hờ hững với tăng trưởng xanh

(BĐT) - Lâu nay, việc lồng ghép các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn rất hạn chế, thiếu sự kết hợp với nhau. Và nếu không có sự thay đổi trong việc thực hiện lồng ghép các mục tiêu này thì hiệu quả tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thiếu lồng ghép, kết hợp

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ở nước ta có nhiều loại chiến lược để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), trong đó có 3 dòng chiến lược, kế hoạch chủ đạo là phát triển KT-XH; tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng trưởng xanh và bền vững. Tuy nhiên, các chiến lược, kế hoạch này vẫn đi song song, không có sự kết hợp. “Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế giảm xuống, năng suất vẫn thấp mà màu xanh ít đi”, ông Cung đánh giá.

Kết quả nghiên cứu của CIEM về vấn đề này đưa ra tại Hội thảo Lồng ghép các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển KT-XH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Chính phủ phê duyệt năm 2012, nhưng đến nay, 2/3 địa phương chưa xây dựng được kế hoạch thực hiện Chiến lược. Ở những tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động thì cũng không bố trí được kinh phí thực hiện. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do Chiến lược được ban hành từ năm 2012, trong khi Kế hoạch phát triển KT-XH 2011 - 2015 đã được phê duyệt. Nhưng lý do chủ quan đó là chính quyền địa phương cũng không có sức ép thực hiện, không thấy đây là việc cần phải thực hiện.

Đánh giá thực trạng tổ chức thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, ông Trần Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Ban Thể chế kinh tế thuộc CIEM cho biết, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa được lồng ghép, thậm chí không có yêu cầu và không có hướng dẫn từ Trung ương. Đối với sản xuất xanh, sản xuất công nghiệp xanh,  hiện mới chỉ giới hạn phạm vi ở các khu công nghiệp, song đa phần các doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng yêu cầu về việc lắp đặt hệ thống lọc bụi, thiếu hệ thống quan trắc môi trường. “Ngay cả Kế hoạch phát triển KT-XH cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 thì chỉ có một số chỉ tiêu được lồng ghép”, ông Trần Trung Hiếu cho biết thêm.

Thông tin về việc lồng ghép mục tiêu xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững vào Kế hoạch phát triển KT-XH cấp tỉnh, bà Lê Thị Minh Ngọc, thành viên nhóm nghiên cứu của CIEM chỉ ra, nội dung này giữa nông thôn và thành thị khác nhau, do đó, công tác triển khai thực hiện chưa được như mong đợi. Đơn cử như trong hoạt động chi tiêu công, hiện mới chỉ có một số quy định bắt buộc đối với công trình đầu tư công xanh là sử dụng gạch không nung và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Song, thực tế là do gạch mới sản xuất nên chất lượng còn chưa đảm bảo, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn thiếu đồng bộ, chế tài thực hiện chưa nghiêm… 

Thay đổi để không thụt lùi

Chỉ khi chỉ tiêu tăng trưởng xanh cũng được đặt ra và được đánh giá thành tích như chỉ tiêu phát triển KT-XH thì Chiến lược tăng trưởng xanh mới được thực hiện thực sự.
Đề cập về dòng chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH lâu nay được coi là dòng chủ đạo và quan trọng nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, nhiều ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh, chính quyền địa phương vẫn coi việc có đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hay không là áp lực, là thành tích, còn việc “xanh” hay chưa không phải là chỉ tiêu đánh giá, nên chưa được quan tâm. Từ thực tế này, ý kiến của các chuyên gia đồng thuận rằng, cần phải lồng ghép, hòa quyện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển KT-XH tại các tỉnh, thành phố.

Ông Cung nêu quan điểm: “Đã đến lúc phải thay đổi, phải hướng đến phát triển kinh tế bền vững. Không thể có chuyện trong lúc nền kinh tế đang theo hướng tăng trưởng xanh nhưng nguồn điện than vẫn phát triển ào ào mà thực tế là đang có nhiều nguồn điện thay thế khác có tiềm năng để phát triển”. Vì vậy, trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, ông Cung đề xuất và cảnh báo: “3 dòng này phải quyện vào nhau, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là dòng chủ đạo và dòng tăng trưởng xanh phải là chủ yếu chứ không đi bên lề như vừa qua. Nếu chúng ta không thay đổi theo hướng này thì đà tăng trưởng sẽ càng thụt lùi”.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, chỉ khi chỉ tiêu tăng trưởng xanh cũng được đặt ra và được đánh giá thành tích như chỉ tiêu phát triển KT-XH thì Chiến lược tăng trưởng xanh mới được thực hiện thực sự. Và để thực hiện, để địa phương có cơ sở phân bổ ngân sách và bố trí kinh phí thì “xanh” cần được đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của các tỉnh.

Tán thành đề xuất trên, chuyên gia kinh tế Lê Viết Thái nêu ý kiến: “Vì chiến lược của chúng ta là chiến lược quả mít, để triển khai có ty tỷ kế hoạch thực hiện, nên nguồn lực bị phân tán. Khi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ra đời sau các chiến lược khác thì tiền thực hiện cũng đã phân bổ, nên muốn thực hiện Chiến lược chúng ta phải lồng ghép. Chỉ khi ghép các mục tiêu vào Kế hoạch phát triển KT-XH thì may ra mới có tiền để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh”.

Chuyên đề