Hiện thực hóa cơ hội từ TPP

(BĐT) - Việc các nước thành viên chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 4/2/2016 là một động thái rất quan trọng cho thấy những bước đi để hiện thực hóa các cơ hội và cả thách thức từ hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới này.   
TPP có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
TPP có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Hiệp định có khối lượng các cam kết lớn nhất

Trước sự kiện hết sức quan trọng này, tại Hội thảo “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP - Những điều doanh nghiệp cần biết”, do Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) tổ chức mới đây nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp (DN) khi Hiệp định TPP chuẩn bị được ký kết, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc một lần nữa mạnh mẽ khẳng định, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có TPP, sẽ tác động mạnh mẽ tới thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam. Đặc biệt, DN trong nước sẽ có một thị trường rộng lớn và được hưởng những ưu đãi về thuế nên có thể tận dụng để tăng cường sản xuất, mở rộng quy mô xuất khẩu, tiến tới thành công trong hội nhập quốc tế.

Trong TPP, vai trò của DN rất quan trọng, mà đặc biệt cần một sự lớn mạnh của khối DN vừa và nhỏ. Đối với Chính phủ, TPP không chỉ là tự do hoá, minh bạch mà còn là sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.  TS. Võ Trí Thành
Trong bối cảnh thời điểm triển khai TPP không còn xa nữa, giờ đây, nhu cầu về thông tin đối với Hiệp định từ phía các DN đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Liên quan đến các thông tin và tài liệu về Hiệp định này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, văn kiện đầy đủ của TPP bao gồm 30 chương, với gần 6.000 trang văn bản (bằng tiếng Anh), cho thấy đây là hiệp định có khối lượng các cam kết lớn nhất, phức tạp nhất mà Việt Nam từng có cho tới thời điểm hiện tại. Trong đó, có 8 phần mà DN cần phải chú ý trong TPP. Đó là các vấn đề chung về TPP; Cam kết TPP về thuế quan và mở cửa thị trường đối với hàng hóa; Cam kết về dịch vụ và đầu tư; Mua sắm công và DN nhà nước;  hữu trí tuệ; Lao động và môi trường; Chính sách cạnh tranh - Thương mại điện tử - DN nhỏ và vừa; Minh bạch, chống tham nhũng và giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên theo bà Trang, việc tìm hiểu và tận dụng được các cam kết này là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam, bởi quá trình triển khai một số FTA cho thấy, DN của ta chỉ tận dụng được khoảng 30% lợi ích mang lại từ việc thực thi các cam kết quốc tế. Trong đó, các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyên doanh xuất khẩu hưởng lợi nhiều hơn từ các FTA. Trong khi đó, DN dân doanh còn lúng túng, thiếu thông tin và giải pháp khả thi để tăng trưởng nhanh, bền vững dẫn đến những hạn chế, thua thiệt đáng tiếc, do đó khả năng nắm bắt thông tin sớm và để có thể chuyển hóa cơ hội thành hiện thực là một trong những điều kiện tiên quyết giúp các DN có thể tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định. 

Doanh nghiệp cần hiểu và thực thi tốt các cam kết

Để đáp ứng nhu cầu vô cùng cấp thiết của DN về các thông tin của TPP, VCCI đã phát hành cuốn Cẩm nang Tóm lược TPP dày 160 trang, trong đó tóm lược tất cả những nội dung quan trọng nhất mà DN cần nắm được trước khi Hiệp định ký kết 1 tuần để kịp thời cung cấp thông tin cho DN. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, để các DN nội địa có thể phát huy lợi thế, đồng thời tăng tỷ lệ hưởng lợi từ các FTA, trong đó có TPP thì chính mỗi DN cần tăng cường sự chủ động và tích cực nắm vững kiến thức, thông tin về nguyên tắc mở cửa thị trường đối với hàng hóa, chính sách cạnh tranh và các quy định về minh bạch hay giải quyết tranh chấp. Các DN cần hiểu và thực thi tốt cam kết về chất lượng dịch vụ và đầu tư, xuất xứ hàng hóa, vấn đề sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường cũng như quy định về mua sắm công và biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, các DN cũng cần nắm chắc thông tin về hiệu lực, lộ trình thực hiện các cam kết cụ thể. Làm tốt các yêu cầu này, DN có thể hoạt động hiệu quả và thành công trong bối cảnh Việt Nam tham gia TPP nói riêng và các FTA nói chung.

Theo ông Võ Trí Thành, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong TPP, vai trò của DN rất quan trọng, mà đặc biệt cần một sự lớn mạnh của khối DN vừa và nhỏ. Đối với Chính phủ, TPP không chỉ là tự do hoá, minh bạch mà còn là sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, tại Hội thảo, chuyên gia này cũng lưu ý DN trong vấn đề bảo hộ nhãn hiệu. So với pháp luật hiện hành, TPP bảo hộ nhãn hiệu thương mại rộng hơn, điều kiện bảo hộ thương hiệu nổi tiếng đơn giản hơn và cũng đưa ra nhiều hơn các cơ chế để bảo hộ thương hiệu. Điều này sẽ giúp các DN bảo vệ tốt hơn nhãn hiệu của mình. Ngược lại, các DN cũng cần lưu ý với các vấn đề về thương hiệu không phải của mình, tránh bị thiệt hại bởi các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ nghiêm khắc hơn sau TPP.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, riêng về mặt kinh tế, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Tham gia TPP, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước, nhưng Việt Nam dự báo cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức về kinh tế, xã hội, về thu ngân sách…

Chuyên đề