Hà Nội gọi vốn gần 340 nghìn tỷ đồng theo hình thức PPP

(BĐT) - Tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, lãnh đạo TP. Hà Nội đã nêu rõ những nguyên tắc thu hút đầu tư và đặt kỳ vọng vào các dự án PPP.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Quan điểm rõ về thu hút đầu tư

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ huy động vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng (vốn ngoài ngân sách chiếm 80%).

Về hình thức huy động vốn, theo ông Chung, có 52 dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư khoảng 338,725 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 35 dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, 12 dự án nước sạch nông thôn và 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế… “Thành phố chỉ tập trung vào các dự án hạ tầng kỹ thuật khung, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có tính lan tỏa, dự án đặc thù về kỹ thuật… Vì vậy, Hà Nội coi trọng kêu gọi đầu tư theo nhiều hình thức, trong đó có các dự án đầu tư theo hình thức PPP’’ - ông Chung nêu quan điểm.

Đồng thuận với ý kiến trên, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Achim Fook cho rằng, hình thức PPP tỏ ra phù hợp trong bối cảnh Việt Nam ngày càng nhận được ít các khoản viện trợ. Còn theo nhiều chuyên gia, hy vọng kêu gọi đầu tư vào các dự án PPP của Hà Nội là có cơ sở và sẽ thành công. Bởi tính từ đầu năm đến ngày 31/5/2016, số vốn thu hút theo hình thức PPP của Hà Nội đã tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (tổng số thu hút vốn đầu tư cho các dự án PPP giai đoạn 2011 - 2015 là 14.694 tỷ đồng, riêng trong năm 2016 đã đột phá và chuyển biến mạnh, thu hút khoảng 62.541 tỷ đồng).

Nhiều cam kết nhưng không ít lo ngại

Trước các nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội cam kết nhất quán trong lãnh đạo, coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, doanh nghiệp (DN) và dân doanh là chủ thể và được tạo mọi điều kiện phát triển. Mở cửa cho đầu tư kinh doanh, lãnh đạo Thành phố muốn mọi thứ đơn giản, hấp dẫn nhất.

Các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về đầu tư được ông Chung thông báo cụ thể, như mô hình “liên thông” tập trung giải quyết thủ tục đầu tư tại một địa điểm. Giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư. Duy trì tỷ lệ DN thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%. Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực GPMB, thu hồi đất. Giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN qua mạng từ 3 ngày còn 2 ngày...

Ủng hộ quyết tâm của Hà Nội, nhưng Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng “nhắc” lãnh đạo Thành phố về những khó khăn mà DN đang gặp. Hiện có tới 45% DN đầu tư vào Hà Nội kêu gặp vướng mắc về thuế, 37% DN khó tiếp cận vốn, 44% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức... DN muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn lớn là thủ tục hành chính phức tạp (46%), giải phóng mặt bằng chậm (22%). Đặc biệt, có 29% DN cho biết, nội dung thanh, kiểm tra trùng lặp (quy mô DN càng lớn thì tỷ lệ cho biết bị thanh kiểm tra càng cao).

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Đỗ Quang Hiển cũng kiến nghị, Hà Nội cần rà soát lại cách tính thuế thu nhập của DN cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, phải đưa công tác quản lý nhà nước theo quy chuẩn ISO.                  

Chuyên đề