Grab, Uber không thể đứng ngoài luật

(BĐT) - Sự phát triển nhanh chóng của một loại hình vận tải giống xe taxi mang tên Grab và Uber tại Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây đã làm dậy sóng thị trường vận tải cả nước...
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tại Hội thảo “Đổi mới quản lý, hoạt động taxi để đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe taxi”, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM đánh giá, sự phát triển nhanh chóng của một loại hình vận tải giống xe taxi mang tên Grab và Uber tại Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây đã làm dậy sóng thị trường vận tải cả nước, tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và các đơn vị trong nước.

Nhiều chuyên gia khẳng định, khi xe hợp đồng điện tử như Grab và Uber xuất hiện, taxi truyền thống đã gặp không ít khó khăn. Tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam là luôn muốn trải nghiệm những dịch vụ mới với giá ưu đãi. Giá cước của loại hình xe hợp đồng điện tử đã khiến doanh thu của các hãng taxi truyền thống ở Hà Nội và TP.HCM sụt giảm mạnh. Trong khi đó, trước những chính sách thu hút lái xe của loại hình xe hợp đồng điện tử, nguồn nhân lực lái xe giỏi của taxi truyền thống đã bị “chảy máu”. Ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh cho biết, không chỉ Mai Linh mà nhiều hãng taxi khác cũng bị điêu đứng khi phải liên tục tìm các giải pháp giữ chân lái xe cũ, tuyển dụng, đào tạo lái xe mới.

Trước thực trạng này, ông Tạ Long Hỷ quan ngại, nếu không được Nhà nước bảo hộ hợp lý, các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ lụi bại dần và tiến tới phá sản. Ông Hỷ cho rằng, thực tế hiện nay ở TP.HCM hầu hết các hãng taxi đều có nguy cơ phá sản và sẽ rất đáng tiếc lý do phá sản lại tiềm ẩn từ các chính sách thiếu công bằng của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bức xúc trước sự lấn lướt của Uber và Grab, ông Phạm Minh Sương đề xuất, nên áp dụng các điều kiện kinh doanh của loại hình xe hợp đồng điện tử tương tự như điều kiện kinh doanh taxi, vì bản chất loại hình kinh doanh này tương tự như taxi; công khai thuế, phí nộp hàng năm… “Uber và Grab không thể đứng ngoài luật hiện hành”, ông Sương nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, để bảo đảm công bằng, bình đẳng trong kinh doanh taxi, Nhà nước cần có chế tài quản lý Uber, Grab, đặc biệt trong việc thu thuế đối với loại hình này. Nếu cần thiết, Hiệp hội sẽ kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi trốn thuế của các hãng này.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cũng cho rằng, cần thiết phải có hành lang pháp lý nhằm tạo môi trường kinh doanh taxi lành mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng cần phải đổi mới phương thức kinh doanh vận tải, sử dụng phần mềm quản lý hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn, làm hài lòng hơn người sử dụng.

Chuyên đề