Gỡ vướng giải ngân đầu tư công, cần rà soát từng dự án

(BĐT) - Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt để đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công. Song hành với đó, cần sự vào cuộc tích cực, thực chất, quyết liệt ở từng bộ, ngành, địa phương, từng cơ quan chủ quản, chủ đầu tư… để xử lý triệt để vướng mắc của từng dự án.
Cùng một mặt bằng chính sách, có nhiều đơn vị giải ngân tốt vốn đầu tư công, cho thấy không hẳn là vướng ở pháp luật chung. Ảnh: Lê Tiên
Cùng một mặt bằng chính sách, có nhiều đơn vị giải ngân tốt vốn đầu tư công, cho thấy không hẳn là vướng ở pháp luật chung. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nỗ lực đốc thúc giải ngân vốn

Vấn đề giải ngân đầu tư công được Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo ngay từ những tháng đầu năm nay. Tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, kiên quyết không chấp nhận thực tế giải ngân vốn đầu tư công liên tục chậm trễ, người đứng đầu các bộ, ngành có giải trình rõ và phải có biện pháp mạnh trong vấn đề thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thường xuyên đốc thúc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời tích cực đôn đốc các bộ, ngành, địa phương còn vốn chưa được giao kế hoạch khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để tổng hợp, giao kế hoạch vốn.

Trong những năm qua, Bộ KH&ĐT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc cải thiện tình hình giao kế hoạch vốn bằng nhiều biện pháp như áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, việc giao kế hoạch vốn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hai chiều giữa cơ quan tổng hợp và các bộ, ngành, địa phương. Quan trọng nhất là phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương cần phải bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí, quy định pháp luật, thì khâu tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch mới nhanh, chính xác, đúng pháp luật.

Cụ thể, ông Trần Quốc Phương cho biết, năm nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 429.300 tỷ đồng. Trước ngày 31/12/2018, đã có hơn 367.000 tỷ đồng được giao, đạt 85,5% kế hoạch. Phần còn lại chưa được giao chủ yếu do một số dự án mà các bộ, ngành, địa phương đề xuất chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, chưa đủ cơ sở pháp lý để giao kế hoạch và thực hiện.

Trong tháng 6 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã tổ chức 3 đoàn công tác để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Sau đó, Bộ đã báo cáo, tổng hợp, đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong các tháng cuối năm.

Một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, và hướng dẫn các giải pháp để giao hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 còn lại.

Sai đâu phải sửa đó ngay

Nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công từ báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương dường như vẫn là những lý do lặp lại trong nhiều năm nay, như chậm giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu hạn chế; tâm lý đầu năm đủng đỉnh cuối năm làm dồn; quy định của Luật Đầu tư công làm cho việc thực hiện một số thủ tục bị kéo dài… Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chưa tích cực trong việc hoàn chỉnh các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng thanh toán đối với các dự án theo quy định…

Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng, để giải quyết triệt để câu chuyện giải ngân đầu tư công chậm lặp đi lặp lại nhiều năm nay, cần xử lý thật quyết liệt, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại từng dự án. Qua rà soát, chỉ rõ nguyên nhân chậm giải ngân của mỗi dự án là gì, chậm do ai. Sau đó, phải tập trung tháo gỡ từng vấn đề, ví dụ do thiết kế thì phải xem xét cần điều chỉnh thiết kế hay không, do năng lực nhà thầu thì phải thay thế… Cán bộ chịu trách nhiệm mà không tháo gỡ được trong thời hạn được giao thì chính họ cũng phải bị thay thế. Nếu do vướng thủ tục thì các bộ liên quan phải ngồi lại tìm hướng tháo gỡ. Thậm chí, có những vấn đề vướng không giải quyết được bằng các luật hiện hành, Chính phủ có thể báo cáo Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết để xử lý.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, thực tế cùng một mặt bằng chính sách có nhiều đơn vị giải ngân vẫn tốt, cho thấy không hẳn là vướng ở pháp luật chung. 

“Nếu không đi vào cụ thể, sai đâu sửa ngay đó, quy trách nhiệm rõ ràng thì sẽ không thể xử lý triệt để được vấn đề này. Ví dụ, lý do năng lực nhà thầu yếu kém nêu lên bao nhiêu năm nay mà có rất ít nhà thầu bị thay thế, không thấy ai bị xử lý”, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ.

Chuyên đề