Gỡ “nút thắt” huy động vốn thực hiện dự án PPP: Mấu chốt là chất lượng dự án

(BĐT) - Thực tiễn thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đang gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đối với một số dự án mang tính cấp bách do các nguyên nhân khác nhau. Không ít dự án PPP phải “bẻ hướng” sang phương thức đầu tư khác. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư, “nút thắt” trong việc triển khai các dự án PPP là nguồn vốn huy động để thực hiện dự án.
Việc huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cho các dự án PPP mới gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Song Lê
Việc huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cho các dự án PPP mới gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Song Lê

Một chuyên gia về PPP cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi tham gia dự án PPP phải đảm bảo từ 10 - 20% tổng mức đầu tư của dự án, tùy quy mô và tính chất của từng dự án mà yêu cầu về số vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động. Nhà đầu tư có thể huy động số vốn còn lại (80 - 90% tổng mức đầu tư dự án PPP) từ các nguồn hợp pháp khác ở trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế khoảng 10 năm thu hút đầu tư PPP ở nước ta cho thấy, nhà đầu tư chủ yếu huy động vốn thực hiện dự án PPP từ các ngân hàng thương mại trong nước.

Thời gian qua, với chính sách của Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt nguồn tín dụng cho vay các dự án BOT, BT - các dạng thức hợp đồng của đầu tư PPP, nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay để thực hiện dự án PPP. Trong khi đó, theo cam kết của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hợp đồng dự án PPP, trong vòng 6 tháng, nếu nhà đầu tư không huy động được vốn để thực hiện dự án thì sẽ phải chấm dứt hợp đồng. Chính vì thế, việc nhà đầu tư sớm rút lui hay phải dừng giữa chừng trong quá trình theo đuổi dự án PPP cũng là điều dễ hiểu.

Một số nhà đầu tư PPP cho biết, nhiều dự án PPP (hợp đồng BOT) đang vận hành bị hụt thu trầm trọng so với phương án tài chính, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực tài chính của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang oằn lưng với món nợ lớn tại ngân hàng cho vay dự án nên không thể dành nguồn lực để theo đuổi các dự án PPP mới.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư PPP cũng cho biết, hiện nay, nhiều dự án PPP (hợp đồng BOT) đang vận hành bị hụt thu trầm trọng so với phương án tài chính, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực tài chính của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang oằn lưng với món nợ lớn tại ngân hàng cho vay dự án nên không thể dành nguồn lực để theo đuổi các dự án PPP mới. Mặt khác, dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này, nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cho các dự án PPP mới chắc chắn gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 cho biết, ngay cả đối với những dự án PPP đang triển khai, mặc dù ngân hàng và nhà đầu tư đã cam kết “bắt tay” cùng thực hiện dự án, nhưng quá trình giải ngân vốn cũng không dễ dàng. “Thủ tục thẩm định cho vay, quá trình giải ngân vốn từ lúc ký cam kết cho vay đến dòng tiền thực chảy vào công trình phải mất hàng năm trời, muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cũng khó”, ông Hòa nói.

Còn theo ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc huy động được vốn dẫn đến bế tắc trong triển khai các dự án PPP thời gian qua có nguyên nhân là chưa sàng lọc kỹ dự án PPP trước khi đưa ra đấu thầu và thực hiện. Bản chất của dự án PPP là hợp tác công - tư, muốn kêu gọi được phía tư nhân và ngân hàng tham gia đầu tư thì dự án PPP phải đảm bảo tính khả thi, có phương án tài chính rõ ràng và khả năng hoàn vốn cao. Về phía ngân hàng, thủ tục giải ngân bao giờ cũng phải đầy đủ và chặt chẽ, có đủ cơ sở thì mới giải ngân để đảm bảo nguồn vốn cho vay ít có nguy cơ thành nợ xấu. Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi trong thu hút đầu tư PPP vẫn là chất lượng dự án PPP. Đây cũng là điểm mấu chốt để khơi thông “nút thắt” trong khâu huy động vốn thực hiện dự án PPP.

Chuyên đề