Gỡ “nút thắt” giải ngân vốn vay nước ngoài

(BĐT) - Những năm gần đây, giải ngân vốn vay nước ngoài liên tục chậm trễ, số vốn đã cam kết chưa giải ngân còn rất lớn. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, sử dụng vốn vay không hiệu quả có thể gây ra nhiều hệ lụy, gánh nặng cho tương lai.
5 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển theo niên độ ngân sách năm 2019 mới đạt 61,3 triệu USD, bằng 6,2% kế hoạch cả năm. Ảnh: Lê Tiên
5 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển theo niên độ ngân sách năm 2019 mới đạt 61,3 triệu USD, bằng 6,2% kế hoạch cả năm. Ảnh: Lê Tiên

Lượng vốn cam kết lớn chưa giải ngân

Theo ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, nếu như nhìn vào giá trị tuyệt đối của 5 tháng đầu năm 2019, con số giải ngân vốn vay nước ngoài đạt quá thấp khi tính theo niên độ ngân sách. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển theo niên độ ngân sách năm 2019 mới đạt 61,3 triệu USD, bằng 6,2% kế hoạch cả năm. Tổng chi thường xuyên là 22,4 triệu USD, bằng 11% kế hoạch. Vốn vay về cho vay lại chính quyền địa phương cũng đạt rất thấp, mới giải ngân được 9,6 triệu USD, bằng 1,28% kế hoạch năm.

Giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chậm đã liên tiếp diễn ra trong vài năm trở lại đây. Theo báo cáo của Nhóm 6 ngân hàng phát triển (Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc - KEXIM, Cơ quan Phát triển Pháp - AFD và Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW), tỷ lệ giải ngân tại Việt Nam năm 2018 thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của Nhóm 6 ngân hàng. Giải ngân vốn ì ạch dẫn đến một lượng vốn lớn đã cam kết chưa thể sử dụng. Năm 2018, tổng số vốn cam kết của 6 ngân hàng đối với Việt Nam là 28,9 tỷ USD, nhưng còn khoảng 16,9 tỷ USD chưa giải ngân, bằng khoảng 7% GDP của Việt Nam.

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với Nhóm 6 ngân hàng phát triển diễn ra chiều 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài đang là vấn đề lớn mà Chính phủ quan tâm thúc đẩy. Tốc độ giải ngân chậm dẫn đến dự án bị trì hoãn, thậm chí không đạt được kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư, do đó làm giảm tác động đến tăng trưởng GDP. Thực trạng này đòi hỏi phải xác định rõ các căn nguyên, những vướng mắc cản trở việc thực hiện và giải ngân các dự án, đưa ra được giải pháp khắc phục, kế hoạch hành động hiệu quả để thúc đẩy giải ngân. 

Giải pháp cụ thể giải quyết “nút thắt”

Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới, trong đó, khoảng 80% là của Nhóm 6 ngân hàng phát triển.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay trả nợ công năm 2019 và chương trình quản lý nợ công 3 năm (2019 - 2021). Dự kiến trong giai đoạn này, Chính phủ sẽ huy động khoảng 341,9 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, trong đó cho vay lại khoảng 135,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của WB và Quỹ Phát triển châu Á (ADF) của ADB. Nguồn vốn ODA của các đối tác phát triển khác cũng đang giảm đáng kể, thay vào đó là nguồn vốn vay ưu đãi.

Khi nguồn vốn nước ngoài tiếp tục được huy động để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, thì vấn đề đặt ra là phải giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, nếu không sẽ tạo ra áp lực cho nợ công, khiến gánh nặng trả nợ ngày một lớn.

Các cơ quan Chính phủ và Nhóm 6 ngân hàng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây chậm trễ giải ngân, chủ yếu là những nguyên nhân “muôn thuở” như chậm giải phóng mặt bằng; quy định về thủ tục còn phức tạp, trùng lặp; mức độ sẵn sàng của dự án thấp; năng lực của ban quản lý dự án… Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, phải giải quyết được các nút thắt bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cải tiến và đơn giản hóa quy trình, thủ tục tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng quy trình, thủ tục cụ thể, rõ ràng, nhất quán về lập, thẩm định, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đối với nguồn vốn nước ngoài. Đồng thời rút ngắn thời gian khởi động và thực hiện dự án thông qua việc thực hiện các hành động trước, đặc biệt trong công tác đấu thầu, trên cơ sở xem xét làm rõ/sửa đổi các quy định liên quan đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi…

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Với những quy định mới về quy trình lập kế hoạch, thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có việc trao quyền nhiều hơn cho các cấp cơ sở trong việc ra quyết định, tạo sự linh hoạt hơn cho việc luân chuyển dòng vốn đầu tư công, hy vọng việc thực hiện, giải ngân các dự án sử dụng nguồn ODA, vốn vay ưu đãi sẽ được đẩy mạnh, hiệu quả hơn. Trên cơ sở Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chính phủ sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó có Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Chuyên đề